Sáng nay (15/12), Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp ứng phó với cơn bão có tên quốc tế là Rai, dự kiến sẽ vào Biển Đông trong khoảng đêm 17/12 đến sáng 18/12.
Mở đầu cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết, hiện nay dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cũng như các đài dự báo quốc tế đang khá thống nhất trong dự báo về cường độ, đường đi, khu vực đổ bộ của bão Rai. Để chủ động ứng phó với cơn bão này, hôm nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh, thành dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão.
Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết, từ 19h ngày 13/12 đến 19h ngày 14/12, các tỉnh khu vực Trung Bộ có mưa rải rác, với lượng mưa phổ biến từ 20-40 mm. Ngoài ra, mực nước trên các sông dao động ở mức báo động 1.
Về tàu thuyền và khu neo đậu, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT thông tin, tổng số tàu thuyền trên cả nước là hơn 94.000 tàu. Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, ngày 14/12 có hơn 11.000 tàu đang hoạt động trên Biển Đông. Còn theo thống kê trên Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS), số tàu thuyền đang hoạt động trên Biển Đông, tính đến 6h ngày 15/12 là hơn 10.000 tàu.
"Các khu neo đậu tàu thuyền trong cả nước, có 71 khu neo đậu với tổng sức chứa hơn 46.000 tàu, đáp ứng 49%", đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cho biết.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay, bão Rai đang cách Philippines khoảng 800-900 km, với cường độ cấp 11. Trong ngày hôm nay, bão Rai có khả năng mạnh thêm và cường độ cực đại của bão có thể đạt cấp 13-14, giật cấp 16 trước khi đổ bộ vào Philippines.
"Chúng tôi dự báo, bão Rai sẽ đi vào Biển Đông vào khoảng đêm 17/12 đến sáng 18/12, trở thành cơn bão số 9 trên Biển Đông trong mùa mưa bão năm 2021. Trước khi vào Biển Đông, bão Rai có suy yếu, sau đó vào Biển Đông bão sẽ mạnh lên", ông Lâm cho biết.
Cũng theo ông Lâm, gió mạnh nhất trên biển do bão số 9 sẽ đạt cấp 12-13, giật cấp 14. Ngoài ra, khu vực phía Bắc đang đón một đợt không khí lạnh vào đêm 16/12 và được tăng cường trong ngày 17/12. Chính vì vậy, bão vào gần bờ sẽ chịu tác động bởi 2 yếu tố là không khí lạnh và nhiệt độ nước biển gần bờ lạnh hơn vùng biển khu vực Philippines, nên cường độ của bão sẽ suy giảm. Tuy nhiên, theo dự báo của Việt Nam cũng như các đài dự báo quốc tế, mức độ suy yếu của bão Rai không nhiều khi vào gần bờ.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết thêm, bão số 9 vào gần bờ có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc khi nó đi đến khu vực kinh tuyến 113-115.
"Trước diễn biến của bão Rai, các tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ có tiềm ẩn nguy cơ gặp rủi ro. Đến ngày 19/12, gió mạnh do bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển. Dự báo, bão sẽ vào đất liền là khoảng ngày 20/12. Đây là cơn bão mạnh, cường độ của bão trên Biển Đông có thể đạt cấp 12, gây mưa lớn gió mạnh trên biển và đất liền", ông Lâm nói thêm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài lưu ý, bão Rai vào Biển Đông là cơn bão cuối vụ trong năm 2021. Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các đài dự báo quốc tế, bão Rai là cơn báo có cường độ rất mạnh.
Ngoài ra, bão Rai còn chịu tác động của nhiều hình thái thời tiết khác nhau và gió mùa Đông Bắc ở phía Bắc, nên cường độ, đường đi, đối tượng chịu tác động của cơn bão này còn thay đổi.
Chính vì vậy, ông Hoài đề nghị, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phải theo dõi sát diễn biến của cơn bão, thường xuyên cập nhật thông tin gửi về Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT và các địa phương.
"Đây là cơn bão dự báo có cường độ mạnh, chính vì vậy, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị chức năng liên quan, cần thông tin, kêu gọi các tàu thuyền hoạt động trên biển biết được diễn biến cơn bão và khẩn trương có phương án di chuyển vào nơi tránh trú an toàn", ông Hoài nói.
Đồng thời, ông Hoài đề nghị, Bộ Ngoại giao cần có công hàm gửi các nước để tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam được vào tránh trú nhờ khi gặp bão trên biển.
Ông Hoài lưu ý các tỉnh ven biển cần kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển. Tại các khu neo đậu tàu thuyền, sơ tán dân, chính quyền địa phương cũng cần có phương án chằng chống tàu thuyền an toàn, tuyệt đối không để ngư dân ở lại trên thuyền để trông giữ tài sản. Đối với khu vực sơ tán dân, cần tuân thủ các qui định về phòng, chống dịch Covid-19.
Về tuyến đất liền, các đơn vị vận hành hồ chứa thủy điện, thủy điện cần bám sát thông tin dự báo để vận hành hợp lý, an toàn;.../.