Trộm giữa ban ngày

Một ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại nhà ông Thái Đình Triển (77 tuổi), ở bản Trung Sơn, xã Mường Nọc (Quế Phong), khi ông cùng người cháu vừa trở về từ cánh rừng quế phía sau nhà. “Sáng nay đang ở nhà thì nghe tin có mấy người lạ chạy xe máy vào rừng. Nghi là trộm quế nên chúng tôi phải lên tuần tra ngay. Nhưng đi cả buổi mà không thấy bóng dáng ai. Thật là mệt mỏi”, ông Triển nói.

bna-a15750586-25122021-1640403311.jpg
Sau vụ mất trộm ít ngày trước, ông Triển đã phải làm cổng sắt bịt lại đường lên rừng quế. Ảnh: Tiến Hùng

Như nhiều hộ dân khác ở đây, ông Triển có hơn 1,5 ha cây quế ở cánh rừng phía sau nhà. Vài ngày trước, sau khi tiếp tục bị mất trộm thêm 30 cây quế “khủng”, vợ chồng ông Triển đã phải làm một cánh cổng bằng sắt để bịt lại tuyến đường dẫn lên rừng. Nhưng chừng đấy cũng không khiến cặp vợ chồng già an tâm. “Quế là sinh kế chính của gia đình tôi. Nhờ nó mà nuôi được các con ăn học hàng chục năm nay. Bây giờ cứ bị trộm như này, đau xót lắm”, ông Triển nói.

Rừng quế của ông Triển có những cây đã gần 35 năm tuổi. Mỗi năm, cứ thu hoạch đến đâu, ông Triển lại trồng mới đến đó. Vợ ông Triển, bà Nguyễn Thị Hòa (73 tuổi) cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, hầu như năm nào gia đình bà cũng bị mất trộm quế. Có năm, mất hàng trăm cây. “Lần gần nhất mới cách đây hơn 1 tuần. 4 người đàn ông đi 2 xe máy lên bóc trộm ngay giữa ban ngày. Một hàng xóm chúng tôi vô tình quay được cảnh chúng nó đi 2 xe máy chở theo các bao tải quế đi về nhưng vẫn chịu, không tìm được thủ phạm”, bà Hòa nói và cho hay, lần này kẻ gian đã bóc trộm hết 73 cây quế của bà và 2 người hàng xóm. Trong đó, 30 cây quế của bà Hòa đều đã hơn 20 năm tuổi, gia đình chuẩn bị thu hoạch. Nếu để gia đình chủ động thu hoạch, với giá quế hiện nay, mỗi cây này có thể bóc vỏ bán được hơn 10 triệu đồng.

bna-a24103373-25122021-1640403341.jpg
Bà Hòa bên 30 gốc cây quế vừa phải đốn hạ về vì bị bóc hết vỏ. Ảnh: Tiến Hùng

Chỉ tay vào đống vỏ quế được mót lại sau khi chặt hạ những cây bị bóc trộm, bà Hòa kể rằng, cách đây ít năm, dân làng đã bắt quả tang 2 người đàn ông trong xã đang trộm vỏ quế nên đã đánh đập. Đó cũng là lần duy nhất mà kẻ gian bị người dân bắt. Sau lần đó, vấn nạn trộm quế yên ắng được một thời gian ngắn. Nhưng gần đây, tình trạng này lại nhức nhối trở lại, với số lượng quế bị mất trộm lớn và thủ đoạn cũng liều lĩnh hơn.

bna-a39162156-25122021-1640403369.jpg
Những cây quế bị bóc trộm vỏ ở thị trấn Kim Sơn, người dân sau đó sẽ phải đốn hạ để tận thu trước khi cây chết. Ảnh: Tiến Hùng

Cần sự vào cuộc từ cơ quan chức năng

Không chỉ ở Mường Nọc, ngay tại thị trấn Kim Sơn, trong ít tuần qua cũng xảy ra hàng loạt vụ trộm quế trắng trợn, đặc biệt là trên núi Pù Hiếu. Đứng bên một gốc cây quế 25 năm tuổi vừa phải đốn hạ vì bị bóc trộm vỏ, chị Vi Thị Ngọc Thu (33 tuổi, khối Cỏ Nong), không kìm nổi nước mắt. “Không chỉ tiếc của, mà là tiếc công sức của người trồng. Chăm bón 25 năm, để rồi trắng tay. Ấm ức lắm anh ạ”, chị Thu nức nở nói.

bna-a72949609-25122021-1640403403.jpg
Chị Thu bên những gốc cây quế 25 năm tuổi vừa phải đốn hạ do bị trộm. Ảnh: Tiến Hùng

Pù Hiếu trước năm 1990 là những ngọn đồi trọc, được coi là “vùng đất chết”, các khe, suối xung quanh gần như cạn nước. Từ chủ trương của chính quyền, nhiều hộ dân đã bắt đầu phủ xanh cánh rừng bằng cây quế, giúp khu vực này dần hồi sinh. Bố chị Thu là một trong những người tiên phong trồng quế ở Pù Hiếu. Trước đây, gia đình chị Thu có đến 8 ha quế, nhưng do bị mất trộm quá nhiều, phần lớn diện tích được chuyển qua trồng keo. Đến nay, nhà chị còn khoảng 1 ha cây quế. Nhưng số quế còn lại nay cũng thường xuyên bị trộm. Lần gần nhất, hồi đầu tháng 12, nhà chị Thu cũng bị trộm 30 cây quế. Đây là lần thứ 2 trong năm, gia đình chị bị mất trộm quế.

Chị Thu kể rằng, vấn nạn trộm quế không chỉ bây giờ, mà từ hơn 10 năm trước. “Em cứ ám ảnh mãi khuôn mặt bố em bật khóc vì ấm ức trong lần bị mất trộm 300 cây quế trong 1 ngày vào hơn 10 năm trước. Kể từ đó đến nay, nhà em mất trộm khoảng 5.000 cây quế. Hầu như năm nào cũng mất, đặc biệt là khoảng 6 năm trở lại đây, khi giá quế ngày càng cao”, chị Thu nói và cho hay, trước đây gia đình chị thường xuyên trình báo chính quyền địa phương sau mỗi lần bị mất trộm quế. Tuy nhiên, chưa một lần họ bắt được kẻ gian trộm quế và vấn nạn này lại ngày càng tăng nên gia đình chị Thu cũng như nhiều hộ dân trồng quế đã quá chán nản, gần đây đã không còn trình báo nữa.

bna-a53043048-25122021-1640403436.jpg
Một cây quế đã hơn 15 năm tuổi. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng vì vấn nạn trộm quế, nhiều hộ dân ở Nọng Cỏ đã không đủ kiên nhẫn, phải thu hoạch sớm cây quế trồng trên Pù Hiếu. Người dân sau đó không tiếp tục trồng mới quế mà phải chuyển qua trồng keo. Đến nay, trên Pù Hiếu chỉ còn 3 hộ vẫn còn rừng quế, nhưng từ đầu năm đến nay, cả 3 hộ cũng đã bị trộm hơn 200 cây, chủ yếu hơn 20 tuổi.

Mỗi cây quế này, nếu để người dân thu hoạch cả vỏ thân cây đến cành, có thể bán được hơn 10 triệu đồng. “Cây quế cho thu nhập cao lắm. Nếu không bị trộm nhà em chắc giàu lắm rồi. Cứ mỗi cây trung bình 10 triệu đồng, mà đầu năm đến nay 3 hộ mất đến 200 cây, như vậy là thiệt hại đến 2 tỷ đồng rồi”, chị Thu nói.

bna-a89255173-25122021-1640403481.jpg
Không chỉ trên rừng, kẻ gian còn liều lĩnh vào trong vườn nhà đã có hàng rào để trộm. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên, kẻ gian không chỉ lên rừng quế, nơi vắng người qua lại để trộm, mà nhiều cây quế trồng trong vườn nhà, có bờ rào thép gai bảo vệ thậm chí cũng bị lột sạch vỏ. Gia chủ chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. Vấn nạn trộm quế không chỉ xảy ra ở Mường Nọc, Kim Sơn mà còn ở các xã như Thông Thụ, Hạnh Dịch, Châu Kim…. Theo ước tính của phóng viên, chỉ từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm hộ dân bị mất trộm quế, nhưng hầu hết đều không trình báo với chính quyền địa phương mà ấm ức cho qua.

Huyện Quế Phong được xem là thủ phủ của cây quế, và cái tên gọi của Quế Phong được cho là cũng bắt nguồn từ loài cây này. Phần lớn các cây quế hiện nay được trồng theo Chương trình dự án 327. Có thời điểm, toàn huyện có hơn 3.000 ha quế, tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 500 ha. Trong những năm gần đây, các hộ dân trồng quế không cần lo lắng về đầu ra, trong khi giá quế cũng rất cao. Theo đó, giá quế thanh phơi khô hiện khoảng 50.000 đồng/kg và giá quế thanh nhỏ ngắn 33.000 đồng/kg, quế vụn là 23.000 đồng/kg. Theo người dân, dù giá quế cao, lại không lo đầu ra nhưng họ vẫn không mặn mà trồng mới thêm nhiều cây quế vì nạn “quế tặc” quá lộng hành.

bna-a68101228-25122021-1640403513.jpg
Người dân tận thu quế về phơi sau khi đã bị trộm. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, lãnh đạo huyện đã nắm được thông tin về tình trạng này. “Sau khi nghe được thông tin chúng tôi đã làm việc với thị trấn Kim Sơn, đồng thời chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra”, ông Vũ nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND thị trấn Kim Sơn lại cho hay, chính quyền thị trấn không nắm được thông tin này. “Chúng tôi không hề nắm được thông tin. Công an thị trấn cũng chưa nhận được trình báo nào của công dân. Từ trước đến nay, thị trấn chưa thấy vụ mất trộm quế nào”, ông Cường nói./.