Nam Ðàn có câu ca dao nổi tiếng: "Sa Nam trên bến dưới đò. Bánh đúc ba dãy, thịt bò mê thiên". Ðủ biết, dân Nam Ðàn "mê" bánh đúc tới mức nào!
Nam Ðàn có câu ca dao nổi tiếng: "Sa Nam trên bến dưới đò. Bánh đúc ba dãy, thịt bò mê thiên". Ðủ biết, dân Nam Ðàn "mê" bánh đúc tới mức nào!
Khác với nhiều nơi khác trong cả nước, Nam Đàn (Nghệ An) nấu bánh đúc bằng gạo nguyên cả hạt được vo đãi kỹ, chứ không phải nấu bằng bột gạo xay giã sẵn. Còn hến ăn kèm phải là loại sống ở sông Lam mới ngon. Hồi xưa, phần lớn người ta nấu bằng gạo gié đỏ, một loại gạo rất ngon; cho dù có giã đến mòn cả cối đá đi chăng nữa thì những hạt gạo gié đỏ vẫn mang màu hồng hồng, rất mặn mà và đằm thắm, chứ không trắng bông như các loại gạo khác được.
Muốn nấu được nồi bánh đúc cho thật ngon bằng gạo gié đỏ, phải có một đôi đũa cả bằng tre đực thật chắc, để quấy được thật mạnh, thật lâu - cho kỳ tới lúc các hạt gạo nguyên kia phải tan nhuyễn thành một thứ bột đặc quánh trong nồi.
Quấy được nồi bột ưng ý rồi, mới đổ ra một cái rổ tre có lót lá chuối sứ tươi. Chờ cho rổ bánh đúc nguội hoàn toàn, mới dùng dao cắt thái khối bánh ra những kích thước tùy ý. Người ta thường ăn bánh đúc với mắm tôm, hay nước mắm pha thêm dấm ớt hoặc ăn với riêu cua hay canh hến, hoặc ăn với xáo bò hay xáo gà. Nhưng nhiều người, nhất là giới bình dân, lại thích ăn bánh đúc với ca trích kho nước mắm hay ăn bánh đúc với bánh đỗ (đậu bỏ vỏ, luộc chin, giã nát, viên thành viên tròn như quả chanh). Những câu ca như :
“Bánh đúc, bánh đỗ
Ai chộ (thấy) cũng thèm
Chồng hay đánh em
Cũng vì đúc, đỗ”
Hay
“Bánh đúc cá kho, bán bò trả nợ”
Đủ để nói lên tính hấp dẫn của những món ăn này.
Nếu là ăn bánh đúc theo thể thức ăn "bánh đúc hến", thì bánh được thái đều thành từng khối chữ nhật, to tương đương hai đốt ngón tay.
Còn hến? - Ðó là sản vật được trời đất ưu đãi, bốn mùa có sẵn trong lòng sông Lam; nhưng hến đặc biệt béo, nhiều và thơm ngon kỳ lạ là vào mùa hè hằng năm. Nhưng hến sông Lam phải làm thế nào cho thật ngon? Trước hết, đó phải chính là hến sông Lam thứ thiệt. Vì rằng, chỉ có hến sông Lam nhỏ và đều tăm tắp đến thế. Tuy con hến nhỏ, nhưng ruột hến lại rất đặc và trắng xanh; luộc lên, tỏa ra một mùi thơm mát, quyến rũ.
Nước luộc của hến sông Lam trắng và đặc sánh như sữa, nếu để sánh ra tay sẽ cảm thấy dinh dính. Luộc xong hến, lấy nước để riêng, dùng làm nước chan với bánh đúc sau này. Còn ruột hến thì một nửa để lại trong nước luộc, nửa còn lại đem xào với mỡ phi hành. Chỉ xào vừa săn, không xào quá lửa. Ăn đến đâu thì múc đến đấy; nhưng bánh đúc hến phải ăn nguội mới cảm nhận hết được hương vị đặc trưng của món ăn bánh đúc hến Nam Ðàn. Gia vị là mùi tàu thái nhỏ, ớt tươi thật cay và thơm; nhưng tất cả đều để riêng, ai thích nồng độ bao nhiêu thì tùy thích cho vào.
Cho đến tận bây giờ giữa xô bồ thị trường bánh kẹo đủ sắc màu, nhãn mác thương hiệu cao cấp canh tranh, bánh đúc Sa Nam vẫn lặng lẽ tồn tại và người Nam Đàn vẫn trân trọng thứ sản phẩm chân quê mộc mạc ấy của cha ông với một niềm tự hào thầm kín./.