899-1720336660.PNG
Buổi chiều trầm mặc ở bản Huồi Pủng

Đưa tôi và anh bạn YouTuber vào Huồi Pủng là một phụ nữ làm nghề lái thuyền máy trên hồ Bản Vẽ. Bà lão đã ngoài thất tuần cười phô hàm răng nhai trầu đen nhánh chào và gọi tôi là thông gia. Tôi nhận ra rồi, là bà mẹ chồng cô em họ đằng ngoại. Tôi gọi bố cô là cậu. Đã mấy năm tôi chưa đến Hữu Khuông, chưa gặp lại. Nay bà thông gia theo nghề chở khách, chở hàng bằng thuyền máy trên hồ thủy điện.

Xã Hữu Khuông, ở phía tây bắc huyện Tương Dương (Nghệ An) là địa bàn vùng ven hồ thủy điện Bản Vẽ. Phía bắc giáp xã Nhôn Mai, tây giáp huyện Quế Phong. Phía nam là hồ thủy điện. Ngoài ra còn hai bản giáp xã Yên Tĩnh có con đường nối với trung tâm huyện Tương Dương. Báo chí địa phương ví Hữu Khuông là “ốc đảo” khi nói về sự cách trở đường sá nơi đây. Từ trung tâm huyện Tương Dương vào Hữu Khuông thông thường phải qua ba chặng. Bắt đầu bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách đến đập thủy điện Bản Vẽ rồi ngồi thuyền máy gần hai giờ đồng hồ thì đến bản Con Phen, trung tâm xã. Tôi đi Huồi Pủng nên phải một lần ngồi thuyền chừng gần nửa giờ và đi bộ từ bến thuyền vào bản cũng ngần ấy thời gian. Từ cuối năm 2023 có con đường bê tông nối xã Tri Lễ với Hữu Khuông, đi đường này từ trung tâm huyện Tương Dương phải vòng lên Kỳ Sơn, sang Quế Phong rồi mới xuống Hữu Khuông. Tính tổng thể cũng ngót hai trăm cây số, gần bằng quãng đường từ huyện Tương Dương về thành phố Vinh tỉnh lỵ Nghệ An.

Tôi dừng chân cạnh điểm trường mầm non vắng lặng bởi bọn trẻ đã được đón về nhà. Hai cô giáo cũng vội vã lên xe trở về trường chính ở trung tâm xã. Nơi mảnh vườn nhỏ cách không xa ngôi trường, một người đàn ông dáng thấp đậm đang dọn cỏ. Anh ngẩng lên nhìn hai người khách lạ. Đó là anh Lô Văn Cảnh, Bí thư chi bộ bản Huồi Pủng. Anh nói rằng đã nhận ra tôi bởi từng gặp một vài lần khi ra trung tâm xã đúng dịp tôi đến Hữu Khuông trước đây. Vậy mà trước khi vào bản, tôi đã cẩn thận nhờ lãnh đạo ủy ban viết thư tay gửi ban quản lý để dễ bề hỏi thông tin. Giờ không phải trình thư ra nữa.

Anh Cảnh dẫn chúng tôi về nhà anh Lữ Văn Núi là trưởng bản Huồi Pủng. Gia chủ còn trên rừng chưa về. Anh Núi tranh thủ lúc rỗi lên rừng thăm bầy trâu bò thả rông và luôn tiện săn ít sóc, chuột. Anh Cảnh sẽ ở lại cùng chúng tôi tại nhà trưởng bản vì đây là “điểm tiếp khách” của ban quản lý.

56-1720336687.PNG
Lúa rẫy vẫn là lương thực chính của dân bản Huồi Pủng


Tôi nhìn qua lan can ngôi nhà gỗ. Bản làng hiện lên trầm mặc khi mặt trời đã khuất dạng và bóng nắng chỉ còn phảng phất trên những ngọn đồi xa. Những ngôi nhà bố trí cạnh nhau dọc hai bên bờ suối. Trên dốc núi, thấp thoáng bóng người trở về. Người thảnh thơi bước, kẻ gùi củi, gùi lúa từ rẫy về  nhà. Bây gờ đang mùa phát rẫy, còn lâu mới đến vụ gặt. Cư dân vùng cao thường cất lúa trong những chiếc kho dựng cạnh rẫy, cạnh bản, nhà hết gạo ăn là đến gùi về giã. Ở Huồi Pủng cũng vậy. Từ lan can gỗ nhà trưởng bản Núi, tôi có thể nhìn rõ chiếc bể nước công cộng chiều nay khá đông người. Phụ nữ, trẻ em tranh thủ ra tắm mát và múc nước. Trẻ em cứ thế trần truồng. Cánh phụ nữ thì lui vào nhà tắm được che bạt sơ sài bên bể nước. Khung cảnh này từng khá quen thuộc ở nhiều làng bản miền núi hơn chục năm trở về trước. Giờ tôi chỉ còn thấy ở Huồi Pủng và một vài nơi khác.

Bà Pịt Thị Liên, mẹ trưởng bản Núi nãy giờ vẫn lúi húi trong bếp. Sau khi nghe Bí thư chi bộ trao đổi bằng tiếng Khơ Mú chỉ thấy bà lão gật gật rồi vào bếp nhóm lửa. Một lúc sau mùi khói đã lan ra ngăn ngoài. Tôi đi vào gian trong. Căn nhà sàn bốn gian rộng rãi, gian ngoài kê hai chiếc giường phủ nệm tinh tươm. Gian thứ hai là nơi gia chủ tiếp khách có chiếc tivi màn hình rộng đặt trên kệ gỗ nom khá sang trọng. Tôi ghé ngồi cạnh cái bếp củi khi lửa bắt đầu bùng lên và bà lão chủ nhà đặt chõ xôi bằng gỗ lên nồi hông. Ngoài trời, bóng tối đã ập đến mà trưởng bản Lữ Văn Núi vẫn chưa trở về nhà.

“Có lẽ phải đến tận khuya nó mới về. Điện thoại thì có đấy. Nhưng sóng thì không có đâu.” – Bà Liên chậm rãi nói. Tôi bất giác nhìn vào chiếc smartphone của mình, như thói quen của người thường xuyên lên mạng dù trước khi vào Huồi Pủng tôi đã nghe nói về đất này. Cả hai sim đều không hiển thị sóng di động. Vậy là từ giờ cho đến trưa mai, theo kế hoạch thì chúng tôi sẽ trở ra trung tâm xã mới có thể gọi điện về nhà sao? Bí thư chi bộ Lô Văn Cảnh cũng đã ngồi bên, anh tiếp lời bà lão chủ nhà: “Nếu các anh muốn gọi về nhà thì lên nhà trên kia. Có chỗ hứng sóng rớt đấy!” Anh bạn youTuber ít khi đi xa nhà, nãy giờ cứ bồn chồn, chợt tươi tỉnh hẳn vội rủ tôi tranh thủ đi tìm chỗ gọi điện. Cả hai leo lên đoạn dốc sau nhà trưởng bản và gặp một phụ nữ đang lúi húi đặt chiếc điện thoại Nokia nghe gọi “cổ lỗ” vào cái cọc gỗ trước nhà. Chờ chị ta xong cuộc gọi, anh bạn tôi cũng thử làm theo. Năm phút rồi mười phút trôi qua, trên màn hình không hiển thị sóng điện thoại và sóng internet. “Cái này chỉ dùng được điện thoại rẻ tiền thôi.” – Người phụ nữ vui vẻ nói và đặt chiếc điện thoại của mình vào giá đỡ hứng sóng, hỏi số anh bạn tôi cần gọi và bấm số. Cuộc gọi chỉ diễn ra khoảng ba mươi giây nhưng khiến người đồng hành của tôi thực sự yên lòng. Đã rất lâu rồi anh chưa “mất tích” trong một khoảng thời gian dài như vậy. Người phụ nữ giải thích rằng chỉ cần lệch khỏi vị trí này thì điện thoại gì cũng mất sóng. Vì thế chị phải “chôn” chiếc cọc tre làm giá đỡ để hứng sóng. Đã thành thói quen, cứ tối đến, chị lại đặt điện thoại vào giá tre và chờ cuộc gọi của anh chồng đang đi làm ăn xa. “Ở đây, chúng tôi gọi là điện thoại di động… cố định.” – Bí thư chi bộ Lô Văn Cảnh giải thích khi bắt đầu bữa tối. Anh tâm sự hiện tại các nhà mạng viễn thông không có kế hoạch xây dựng cột sóng điện thoại trong khu vực. Bởi chính quyền địa phương đang có chủ trương di dời các hộ trong bản đến một địa điểm mới thuận lợi hơn. Nơi đến dự kiến là một khoảng đất rộng rãi, bằng phẳng cách không xa trung tâm xã lại nằm trên một trục đường đang xây dựng nối Hữu Khuông với trung tâm huyện Tương Dương. Người dân cơ bản ủng hộ chủ trương di dời, mặc dù nhiều hộ chuyển từ lòng hồ thủy điện về Huồi Pủng chỉ mới hơn chục năm về trước.

Quá nửa đêm, anh Lữ Văn Núi mới từ rừng trở về và chúng tôi chỉ có dịp chào nhau vào sáng hôm sau. Mới mờ sáng, tôi theo anh ra suối sửa máy phát điện. Một quãng suối nhỏ nhưng có hàng chục chiếc máy phát điện nhỏ nhùng nhằng dây dợ. Trưởng bản hướng dẫn tôi tránh những chỗ dây có thể sẽ hở điện. Trông cứ như một hệ thống bẫy. Anh Núi cho hay may mắn là chưa có vụ điện giật nào xảy ra và mọi người đã quen sống chung với những chiếc máy phát điện tự tạo và là nguồn thắp sáng duy nhất dù biết là nguy hiểm. Tôi đùa rằng được cái là không phải đóng tiền hàng tháng cho ngành điện. Trưởng bản Lữ Văn Núi gật đầu: “Dùng cái này không phải đóng tiền điện nhưng tốn hơn dùng điện quốc gia. Cứ vài tháng tôi lại phải gửi tiền mua vòng bia, 4 cái hơn 300 nghìn. Chưa kể mưa lớn mà không kịp thu máy về bị lũ cuốn mất là phải mua máy mới tốn gần 3 triệu đồng.” Tôi nhớ đến chiếc tivi màu trong nhà anh Núi. Có lẽ cũng chẳng mấy khi nó được bật lên dù trước nhà vẫn thấy đặt chiếc chảo hứng sóng truyền hình. Nguồn điện tự tạo này vốn chập chờn khi yếu khi lại quá mạnh rất dễ cháy chập.

677-1720336712.PNG
Người phụ nữ ở Huồi Pủng đang chế biến bữa sáng cho gia đình

Tôi theo anh Núi trở lại bản, lại cẩn thận luồn lách qua những sợi dây điện nhằng nhịt trên lối đi. Lúc này một ngày mới đã thực sự bắt đầu. Ven lối đi, một nhóm người đang căng mình kéo dây thừng với một đầu dây buộc chặt vào cột nhà sàn. Mấy ngày trước vừa có trận gió lớn làm ngôi nhà vẹo sang một bên, chực đổ. Sáng nay, dân bản đến giúp gia đình kéo lại nhà. Trong bản còn khá nhiều nhà tạm bợ bởi bà con đang chờ di dời nên chẳng mấy ai muốn làm nhà kiên cố.

Non trưa, trên đường trở về trung tâm xã, tôi ghé thăm trường mầm non cũng là điểm trường duy nhất trong bản. Điểm trường tiểu học cũ đã về nhập với trường chính từ hai năm trước để học bán trú. Đầu tuần, các cháu tiểu học được cha mẹ đưa đến trường, cuối tuần lại đón về. Cô giáo Kha Thị Phú nhà ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương là giáo viên duy nhất có mặt tại điểm trường mầm non hôm ấy. Sau giờ học, cô giáo phải dắt từng cháu về nhà rồi lên thuyền về điểm chính. Cô sẽ trở lại trường vào sáng hôm sau. Tôi hỏi vì sao không ở lại trường cho tiện việc giảng dạy, cô giáo trẻ cho hay bản chưa có sóng điện thoại nên về trường chính cho tiện liên lạc với gia đình. “Cuối ngày cũng muốn gọi điện cho chồng con, để đỡ nhớ.” – Cô Phú chậm rãi chia sẻ. Về sau tôi liên lạc với cô Nguyễn Thị Xoan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hữu Khuông thì được biết thêm tại điểm trường có 2 giáo viên được phân công đứng lớp. Hôm tôi vào, một cô bận việc chuyên môn nên cô Phú dạy thay. Dù có hai giáo viên nhưng là phận nữ, các cô có phần e ngại khi ở lại qua đêm giữa một nơi biệt lập không thể gọi điện như ở Huồi Pủng. Hai cô giáo chấp nhận sáng đi chiều về, dù có phần tốn kém.

Đã có hẹn trước từ chiều qua, sáng nay bà lão lái thuyền đã chờ chúng tôi ở bến nước từ sáng sớm. Khách đi thuyền sáng hôm ấy có thêm cô giáo Phú vừa xong buổi lên lớp cuối tuần. Chiếc thuyền chậm rãi tiến ra hồ nước trong tiếng máy giòn giã. Mặt hồ lấp loáng nắng, tôi bắt gặp những chiếc thuyền đi ngược chiều. Trên thuyền lố nhố bóng học trò từ trường trở về bản. Tôi đã quen với những hình ảnh này trong những chuyến xuôi ngược trên hồ thủy điện Bản Vẽ. Riêng với dân bản Huồi Pủng và lũ trò nơi đây, việc di chuyển trên những chiếc thuyền máy mỏng manh cũng như chuyện cơm bữa. Người ta vẫn phải thích nghi trong khi chờ một sự thay đổi.