Theo thông cáo báo chí phát đi chiều tối 29/3 của Tập đoàn FLC, doanh nghiệp này khẳng định, ông Trịnh Văn Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC đại diện cho mình thực hiện các công việc liên quan. Trong đó, bà Yến được uỷ quyền giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways và quyền cổ đông của ông Quyết tại hãng hàng không này.

Nguồn tin từ phía Bamboo Airways khẳng định, hoạt động kinh doanh, khai thác của hãng vẫn diễn ra bình thường.

Tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Bộ cũng mới nhận thông tin ông Quyết bị khởi tố, chưa nắm rõ cụ thể. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam có lãnh đạo một hãng hàng không bị khởi tố, bắt tạm giam khi vẫn giữ cương vị lãnh đạo hãng.

“Là hãng hàng không đang hoạt động nên Bamboo Airways vẫn phải đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, duy trì hoạt động khai thác bình thường và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của khách hàng”, nguồn tin cho hay.

Theo Bộ GTVT, hàng không là lĩnh vực rất đặc thù, khi yêu cầu an toàn khai thác được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, hãng hàng không thường bán vé trước nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng so với thời điểm bay, nên quyền lợi của khách hàng đã mua vé phải luôn được đảm bảo. Ngoài ra, mọi vấn đề xảy ra với các hãng có thể ảnh hưởng tới không chỉ hàng không trong nước, còn là các cam kết, đánh giá… của các tổ chức hàng không toàn cầu, nhà chức trách hàng không thế giới với hàng không Việt Nam.

may-bay-bamboo-airways-3646-1648601799.jpg
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và khách hàng của hãng.

Tại thời điểm được cấp phép hoạt động, Bamboo Airways là công ty con của FLC, do tập đoàn này nắm 100% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần tăng vốn, thoái vốn, theo báo cáo Tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Tập đoàn FLC, tại thời điểm 31/12/2021, FLC chỉ còn sở hữu 21,7% cổ phần tại Bamboo Airways (thời điểm đầu năm 2021, FLC vẫn nắm 51,29% vốn của hãng hàng không này).

Gần nhất vào tháng 2/2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng (tăng thêm 3.500 tỷ đồng), sau lần tăng vốn này tỷ lệ sở hữu của FLC tại hãng hàng không giảm từ 51,29% còn 39,4%. Đồng thời xác lập hãng hàng không này chỉ còn là công ty liên kết, không còn là công ty con của Tập đoàn FLC.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Tập đoàn FLC diễn ra tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết, trên cương vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Chủ tịch Bamboo Airways đã trả lời chất vấn của cổ đông về tỷ lệ sở hữu vốn tại hãng hàng không này. Các cơ quan báo chí đã dẫn lời ông Quyết cho biết: Cá nhân ông và FLC vẫn là chủ sở hữu trên 80% vốn tại Bamboo Airways. Ngoài ra, khoảng 10% vốn tại Bamboo Airways thuộc sở hữu của cán bộ nhân viên FLC; số cổ phần còn lại thuộc sở hữu của cổ đông bên ngoài (chỉ 10%).

Cũng theo báo cáo tài chính của FLC, luỹ kế tới hết năm 2021, FLC đã rót vào Bamboo Airways tổng số vốn 4.015 tỷ đồng, lỗ của hãng hàng không phân chia về cho FLC là hơn 501 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, FLC đã góp vốn vào Bamboo Airways 550 tỷ đồng, đồng thời thoái vốn một phần thu về hơn 121 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), tới hết tháng 12/2021, Bamboo Airways vẫn còn nợ ACV hơn 451 tỷ đồng (tăng hơn 125 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm).

Trước đó, ACV từng có văn bản yêu cầu Bamboo Airways hoàn trả các khoản hãng còn nợ, đa số khoản nợ này là hãng thu hộ ACV từ hành khách khi bán vé, như phí dịch vụ an ninh, soi chiếu, phí dịch vụ sân bay…

Cuối năm 2021, ACV còn xác định Bamboo Airways có số nợ xấu hơn 380,9 tỷ đồng, đây là các khoản ACV phải thu quá hạn thanh toán, hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi.

Hãng hàng không Bamboo Airways chính thức cất cánh từ tháng 1/2019, trong 2 năm đầu hoạt động hãng đều báo cáo có lợi nhuận. FLC từng có kế hoạch IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) trong năm 2020, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nên phải lùi lại tới nay. Cùng đó, hãng này đang xúc tiến các thủ tục để khai thác đường bay thẳng thường lệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19, để hỗ trợ hãng vượt qua khó khăn, trong năm vừa qua hãng này đã có một số lần kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét cho hãng vay 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Theo báo cáo tài chính của FLC, tới thời điểm 31/12/2021, FLC còn phải đóng hơn 24,1 tỷ đồng tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, và hơn 9,6 tỷ đồng kinh phí công đoàn./.