“Khát điện” dù sống ngay thủy điện
Ngày 16/8, từ trung tâm huyện Văn Yên, PV theo con đường TL175 qua địa phận các xã An Thịnh, Đại Phát, Đại Sơn chừng 40km, rồi mất thêm hơn 3 giờ đi xe máy qua đoạn đường lởm chởm đất đá như ruộng cày để có mặt tại thôn Khe Đâm.
Thôn Khe Đâm là thôn cuối cùng của huyện Văn Yên tiếp giáp với xã An Lương của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Thôn nằm giữa 2 thủy điện Thác Cá 1 và Thác Cá 2 và cả hai thuỷ điện đều được xây dựng trên sông Ngòi Thia chảy qua địa bàn xã.
Trong đó, thủy điện Thác Cá 1 có công suất lắp máy 27 MW, sản lượng điện hàng năm 99 triệu KWh, hoàn thành năm 2020 và thủy điện Thác Cá 2 có công suất lắp máy 14,5 MW, sản lượng điện hàng năm 55 triệu KWh, hoàn thành năm 2021.
Khe Đâm hiện là một trong những thôn nghèo nhất của huyện Văn Yên. Cuộc sống của 138 hộ dân với 600 nhân khẩu ở Khe Đâm chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, phát triển từ trồng quế.
Không chỉ nghèo đói, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận văn hóa thông tin còn nhiều hạn chế vì chưa có điện lưới quốc gia.
Gia đình ông Triệu Tài Vượng, thuộc diện hộ giàu nhất, nhì thôn Khe Đâm mới xây được căn nhà tiền tỷ. Tuy nhiên, cứ đến chiều tối, ngôi nhà cũng chìm nghỉm trong bóng tối giống như các ngôi nhà tranh vách đất khác ở Khe Đâm, vì không có điện.
Để có thể đầu tư mua máy phát điện, ông Vượng phải mua loại máy phát 3kg rồi mua dây điện, thuê thợ về chạy điện từ trong thác cách nhà gần 2km về với giá 16 triệu đồng. Ông Vượng cho hay, gia đình không biết phải thay bao nhiêu ắc quy, bộ biến áp để nắn dòng mới dùng được như thế này, nhưng điện chạy máy chỉ đủ dùng thắp sáng đèn, cây quạt và nồi cơm điện.
“Muốn mua thêm cái tủ lạnh, máy giặt hay cái máy xay xát, máy thái chuối để phục vụ cho sinh hoạt, chăn nuôi mà không được vì chưa có điện”, ông Vượng cho biết.
Cuối năm nay, đầu năm sau có điện?
Không có điện lưới quốc gia, nhiều gia đình ở Khe Đâm đã chung tiền mua máy phát điện chạy bằng sức nước về lắp dưới suối. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có tiền để lắp vì chi phí cao.
Chưa kể, cứ mùa mưa lũ nhiều máy phát cũng bị lũ cuốn đi mất, không có tiền để đầu tư lại.
Bà Lò Thị Ồn (thôn Khe Đâm) cho biết, gia đình sinh sống 4 người trong một cái chòi cạnh ruộng, cuộc sống hàng ngày đi làm thuê kiếm sống qua ngày, cơm nhiều bữa còn không đủ ăn nên không có điều kiện để mua máy phát điện.
Vì thế, cứ tối đến, cả nhà chỉ biết quây quần dưới cái bóng điện 20w chạy bằng ắc quy xe máy với giá 50 nghìn đồng. Tiện nghi hiện đại nhất của nhà bà Ồn là chiếc radio bằng pin để nghe lúc về đêm.
Không chỉ người dân thôn Khe Đâm, mà cả ở Khe Lóng 2, Khe Lóng 3, xã Mỏ Vàng, nhiều năm nay cũng phải sinh sống trong cảnh tối tăm, không có điện lưới quốc gia. Mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì việc thiếu điện.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng, điện lưới quốc gia đã chạy qua xã từ năm 2012, nhưng tại một số thôn, vẫn chưa đủ điều kiện để hạ điện cho người dân sử dụng.
“Qua các kiến nghị của người dân, UBND xã cũng đã làm tờ trình đề nghị huyện Văn Yên và Điện lực Yên Bái, Sở Công thương Yên Bái xây dựng công trình điện lưới nông thôn cho các thôn chưa có điện.
Dự tính khoảng cuối năm 2021 hoặc sang năm 2022 thì sẽ có điện lưới quốc gia”, ông Tuấn Anh thông tin.
Liên quan đến vấn đề chưa có điện lưới quốc gia ở nhiều thôn của xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Điện lực Yên Bái cho biết, 2 thủy điện Thác Cá 1 và Thác Cá 2 của doanh nghiệp hòa vào điện lưới quốc gia chứ không phải cung cấp điện trên địa bàn.
“Việc đã lắp đường điện cao thế nhưng chưa cung cấp điện về các thôn, bản là liên quan đến việc xây dựng đường điện trung áp, hạ thế rồi mới có thể cấp phát điện đến các hộ dân. Việc đầu tư, về phía ngành điện lực không đủ nguồn lực để đầu tư dàn trải tất cả đến các thôn, bản. Về chương trình đầu tư hạ điện xuống cần nằm trong dự án của địa phương”, ông Hà cho hay.