Ngày 26-4, một nguồn tin cho biết lãnh đạo VKSND TP HCM đã ra quyết định tạm giam thêm 10 ngày (từ ngày 25-4 đến 5-5) đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, CEO Công ty CP Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Trước đó, Công an TP HCM đã chuyển toàn bộ kết luận và hồ sơ vụ án sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm khác cùng 1 tội danh.

Tính đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị tạm giam hơn 1 năm và vụ án đang trong giai đoạn nghiên cứu kết luận điều tra để truy tố, xét xử.

00-1682480019.jpeg
Bà Nguyễn Phương Hằng

Về việc tạm giam bị can trong quá trình điều tra, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty luật Lưu Vũ) cho biết: Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn quyết định việc truy tố, trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: truy tố bị can trước tòa án; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

"Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, viện kiểm sát có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của bộ luật này. Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1, điều 240 của bộ luật này", luật sư Toàn dẫn quy định điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo kết luận, bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh mạng xã hội xâm phạm đến danh dự 9 người gồm: nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, bà Ðặng Thị Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên và chồng là Lê Công Vinh, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP HCM).

Bà Nguyễn Phương Hằng khai rằng những thông tin bà nói trên livestream do nằm mơ, đọc trên mạng, chưa được kiểm chứng.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng khai các thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân trên đều do bà này đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh. Các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng tại TP HCM nhiều nhất có đến 610.355 lượt xem, 14.000 lượt thích và 5.021 lượt bình luận.

Tại Bình Dương, các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng xúc phạm người khác, có người xem nhiều nhất lên đến 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích và 32.000 lượt bình luận.

Theo Phạm Dũng - nld.com.vn