Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng vừa có quyết định gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng. Động thái này diễn ra sau khi Viện KSND TPHCM có quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ những người có vai trò đồng phạm với bà Hằng và đồng thời xem xét nhập vụ án này với vụ án liên quan đến bà Hằng do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra, xử lý.

ba-nguyen-phuong-hang-ra-sao-neu-doc-lap-dieu-tra-xet-xu-1662532918.jpg
 Bà Nguyễn Phương Hằng.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng sẽ có 2 khả năng xảy ra khi TPHCM và Bình Dương tiến hành nhập vụ án để xét xử hoặc không nhập vụ án mà xử lý độc lập.

Theo quy định của pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần. Hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào, sẽ bị xử lý về tội danh đó. Một hành vi vi phạm pháp luật có thể là tình tiết định tội hoặc tình tiết định không tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trường hợp bị can bị nhiều cơ quan điều tra cũng khởi tố về một tội danh có thể được nhập vụ án hình sự thành một tội và áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần để xét xử trong cùng một vụ án. Việc nhập vụ án hình sự theo quy định của pháp luật sẽ giảm thiểu được thời gian, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và cũng có lợi cho bị can, bị cáo, đồng thời góp phần giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.

Trong vụ việc trên, với mỗi lần thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân qua mỗi lần livestreams thì bà Nguyễn Phương Hằng có thể phải đối mặt với một lần bị kết án trong khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trường hợp nếu nhiều cơ quan tố tụng đều xử lý về tội danh này, với khung hình phạt này, cơ quan xét xử sau sẽ tổng hợp hình phạt theo hình thức cộng dồn mức hình phạt của các bản án để tổng hợp với bản án sau theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt và bản án cuối cùng sẽ tổng hợp tất cả các mức án mà tòa án các cấp đã xét xử trước đó theo phương thức cộng dồn.

Trường hợp bị can bị khởi tố bởi nhiều cơ quan điều tra về cùng một tội danh mà được nhập vụ án, bị xét xử trong một vụ án, bị can sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần. Trong trường hợp nếu bị kết tội, bị can, bị cáo chỉ phải chấp hành một mức hình phạt chung không quá 7 năm tù theo quy định tại khoản 2, điều 331 bộ luật hình sự. Bởi vậy, nếu nhập vụ án hình sự trong trường hợp này là có lợi cho bị can, bị cáo.

Luật sư Cường cho rằng, tùy vào từng trường hợp cụ thể Cơ quan điều tra, VKS có thể nhập hoặc tách vụ án hình sự trong các giai đoạn điều tra, truy tố căn cứ vào các quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Việc tách hay nhập vụ án hình sự là một thủ tục tố tụng hình sự "tuỳ nghi" do cơ quan tiến hành tố tụng xem xét áp dụng. Hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án và đây là quy định tùy nghi nên còn có những quan điểm cách hiểu áp dụng khác nhau, chưa thống nhất.

Việc tách vụ án hình sự hay nhập vụ án hình sự phải căn cứ vào quy định của pháp luật và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và đảm bảo thủ tục tố tụng được áp dụng, vận dụng linh hoạt, triệt để, nhanh chóng, đúng thẩm quyền, đúng nguyên tắc.

Trong vụ án trên, cơ quan điều tra Công an TPHCM và công an Bình Dương đều khởi tố về cùng một tội danh là tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân với bị can Nguyễn Phương Hằng (do nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và mỗi hành vi đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm).

Bởi vậy, căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên, hai cơ quan điều tra có thể thống nhất để nhập vụ án hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và đảm bảo cho vụ án được giải quyết nhanh chóng.

Trong trường hợp nhập vụ án hình sự để xét xử và bị cáo chỉ bị kết án về một tội danh theo điều 331 Bộ luật Hình sự thì hình phạt đối với bị can này sẽ không quá 7 năm tù. Còn trường hợp hai cơ quan tố tụng độc lập xét xử trong hai vụ án, sau đó sẽ tổng hợp hình phạt, tổng mức hình phạt có thể quá 7 năm tù theo nguyên tắc tổng hợp hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Hai cơ quan tiến hành tố tụng này và viện kiểm sát cùng cấp sẽ cân nhắc xem xét, căn cứ vào các quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành để tiến hành thủ tục nhập vụ án hình sự theo quy định pháp luật./.