Ông Piotr Naimski - Cao ủy về Cơ sở hạ tầng Năng lượng chiến lược của Ba Lan cho biết giới chức nước này đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận liên chính phủ với Nga - gọi là thỏa thuận Yamal - được ký kết vào năm 1993.
“Sau 30 năm, có thể nói rằng mối quan hệ trong ngành công nghiệp khí đốt giữa Ba Lan và Nga đã không còn", ông Naimsky nói.
Thỏa thuận Yamal được Nga và Ba Lan kí kết vào ngày 25/8/1993, và cập nhật lần cuối vào năm 2010. Theo đó, một hệ thống đường ống dẫn khí đốt đã được xây dựng để vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ba Lan, và cung cấp khí đốt từ Nga cho Ba Lan.
Khi được hỏi về tương lai của đoạn đường ống dẫn khí Yamal - châu Âu qua Ba Lan, ông Naimski cho biết đoạn đường ống này trước đây được sử dụng để bơm khí đốt tự nhiên từ Nga, sắp tới sẽ vẫn được sử dụng để trung chuyển khí đốt qua Ba Lan, và có thể dẫn cả khí đốt từ Đức đến Ba Lan.
Cùng với Bulgaria và Phần Lan, Ba Lan đã từ chối chấp nhận cơ chế thanh toán dựa trên đồng rúp của Nga, được Điện Kremlin ban hành để đáp trả những biện pháp trừng phạt nhằm vào Mátxcơva.
Ngày 27/4, tập đoàn Gazprom (Nga) thông báo ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan do Warszawa không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Mátxcơva. Ở thời điểm đó, Gazprom tuyên bố nguồn cung khí đốt sẽ bị tạm dừng cho đến khi Warszawa tuân thủ các điều khoản mới. Sau đó, Gazprom tiết lộ Ba Lan đang tiếp tục mua khí đốt tự nhiên của Nga từ Đức.
"Họ tuyên bố hùng hồn rằng không cần khí đốt của Nga nữa và sẽ không mua nữa. Nhưng trên thực tế, Ba Lan vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga sau khi nguồn cung trực tiếp bị tạm dừng. Hiện họ đang mua khí đốt từ Đức, và khí đốt đang đổ về Ba Lan theo hướng ngược lại thông qua đường ống Yamal – châu Âu”, đại diện tập đoàn năng lượng Gazprom – ông Sergey Kupriyanov cho biết.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này sẽ dừng nhập khẩu khí đốt, dầu và than của Nga vào cuối năm nay. Ông Morawiecki trấn an người dân rằng khí đốt sẽ tiếp tục chảy đến các hộ gia đình Ba Lan, và Warszawa “sẽ làm mọi cách để người dân có thể sưởi ấm nhà cửa, nấu nướng như bình thường”./.