Ba chị em ruột năm nay đều đã trên 100 tuổi, được người dân địa phương ví là 3 cây cổ thụ, đang sinh sống tại một vùng quê khá nghèo khó thuộc xã Lý Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Ông Lê Anh Đào, con trai của cụ Lê Thị Mưu (một trong 3 chị em trường thọ ở xã Lý Thành), kể ông bà ngoại của ông có 7 người con, 3 trai, 4 gái. Đến nay, 4 người đã mất và còn 3 chị em gái đang sống. “Các cậu và người cô của tôi khi mất cũng đều thọ trên dưới 100 tuổi”, ông Đào nói.
Ông Lê Anh Đào, con trai của cụ Lê Thị Mưu (một trong 3 chị em trường thọ ở xã Lý Thành), kể ông bà ngoại của ông có 7 người con, 3 trai, 4 gái. Đến nay, 4 người đã mất và còn 3 chị em gái đang sống. “Các cậu và người cô của tôi khi mất cũng đều thọ trên dưới 100 tuổi”, ông Đào nói.
Ba chị em cụ Lê Thị Thoại, Lê Thị Mưu và Lê Thị Mùi năm nay đều đã trên 100 tuổi. Ảnh: Khánh Hoan
Theo giấy tờ tùy thân còn lưu lại tại gia đình cho thấy, cụ bà Lê Thị Mưu sinh năm 1911, năm nay 107 tuổi. Chồng cụ Mưu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào năm 1950, để lại cho cụ 4 người con. Năm 1967, người con cả của cụ hy sinh khi tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B. Ông Lê Văn Liệu, con út của cụ cũng là thương binh nặng. Cụ Mưu đã được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Năm 1967, người con cả của cụ cũng hy sinh khi tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B. Hai người con trai còn lại cũng bị thương trong cuộc chiến tranh này. Cụ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Cụ Lê Thị Mưu được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: Khánh Hoan
Ông Lê Anh Đào (69 tuổi) là người con thứ 3 của cụ Mưu, kể, sau khi chồng mất, cụ Mưu một mình gồng gánh nuôi 4 đứa con. Thế nhưng, người mẹ nghèo luôn lạc quan, chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ con cái chu đáo.
Đến nay, không kể cháu, cụ đã có 19 chắt và chuẩn bị có chút. Về già, cụ Mưu sống gương mẫu, ít khi quát nạt con cái dù làm trái ý mình. Ông Đào cũng cho biết, cụ rất ít đau ốm vặt. Cách đây chừng 1 tháng, do nắng nóng kéo dài, cụ mới phải nhập viện điều trị 1 tuần vì bị suy nhược. Đây là lần đầu tiên trong đời, cụ phải nằm viện.
Thư chúc thọ cụ Mưu của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Hoan
Ở cái tuổi 107, nhưng cụ Mưu vẫn còn khá minh mẫn, vui tính. Cụ vẫn thuộc lòng các bài dân ca Nghệ Tĩnh và thường hát khi nghe ai gợi ý hoặc để nhắc nhở con cháu sống tròn bổn phận.
“Khi thấy không hài lòng, giận con cái, mẹ tôi thường đưa bài Phụ tử tình thâm - một bài hát dặm cổ của người Nghệ Tĩnh ra hát, trong đó bà hát to và nhấn rất mạnh những câu từ nói về công lao nuôi con của cha mẹ, ý nhắc nhở con cháu phải biết thương kính cha mẹ”, ông Đào nói.
Ba chị em say sưa hàn huyên mỗi khi gặp nhau. Ảnh: Khánh Hoan
Ở cùng làng với cụ Mưu còn có người chị ruột và em ruột của cụ đó là cụ Lê Thị Thoại và cụ Lê Thị Mùi, năm nay đã 108 và 101 tuổi. Cụ Thoại có 3 người con, hiện cụ đang sống với người cháu nội. Dù đã ở tuổi 108, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, thậm chí còn chống gậy ra vườn để nhặt củi.
Bà Vũ Thị Lưu, con dâu cụ Thoại, cho biết dù cuộc sống của cụ khá khó khăn, nhưng cụ Thoại vui tính, sống hòa đồng với mọi người. Cụ rất ít khi đau ốm và từ khi bà về làm dâu đến nay đã gần 50 năm, nhưng chưa thấy cụ ốm đau phải nằm viện lần nào.
Người em áp út của cụ Thoại là cụ Lê Thị Mùi, năm nay đã 101 tuổi. Cụ Mùi đang sống với người con trai, cuộc sống khá khó khăn. Cụ đang rất minh mẫn, ra đường vẫn nhận biết được hầu hết người trong làng. Vài năm trước, thỉnh thoảng, cụ vẫn thường chống gậy đến thăm hai chị là cụ Thoại và cụ Mưu, nhưng nay cụ phải nhờ con cháu dẫn đi.
Dù sống cùng làng, nhưng vài năm trở lại đây, do đi lại trở nên khó khăn nên mỗi năm, ba chị em cũng chỉ gặp nhau được một vài lần. Gặp nhau, các cụ quấn quít trò chuyện, hỏi thăm nhau rất hồn nhiên.
Ông Lê Anh Đào cho biết, ở vùng quê này, cuộc sống còn khó khăn, nhưng các anh, chị của 3 cụ cũng sống rất thọ, đều trên 100 tuổi và đó đều là những con người sống rất vui vẻ, hòa nhã và lạc quan.