Lần cuối Apple đối mặt với lạm phát cao như hiện nay là khi vừa IPO chưa đầy 1 năm, sản phẩm bán chạy nhất là máy tính Apple II.
Tháng 5, lạm phát tại Mỹ là 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Các thị trường lớn khác cũng ghi nhận mức lạm phát tương đương, thậm chí cao hơn. Apple còn đối mặt với chi phí gia tăng từ các công ty logistics toàn cầu và lương nhân viên, cũng như sức mua giảm dẫn đến khả năng khách hàng không nâng cấp iPhone. Điểm nghẽn chuỗi cung ứng liên quan tới phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc có thể khiến “Táo khuyết” thiệt hại 8 tỷ USD doanh thu.
Trong hoàn cảnh này, nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển phần chi phí tăng thêm cho khách hàng bằng cách tăng giá, đặc biệt nếu nhu cầu lớn. Apple vẫn chưa tăng giá iPhone tại Mỹ nhưng thường xuyên điều chỉnh tại các nước khác nhằm đối phó với tỉ giá tiền tệ. Trong vài năm, Apple đã thay đổi cơ cấu giá cho các sản phẩm ra mắt vào mùa thu.
CEO Apple Tim Cook thừa nhận công ty của ông cũng chịu áp lực từ lạm phát, phản ánh vào biên lợi nhuận quý I lẫn quý II.
Chi phí tăng
Theo ông Cook, lạm phát xuất hiện trong ít nhất 2 danh mục trên bảng cân đối kế toán: biên lợi nhuận gộp và chi phí hoạt động. Biên lợi nhuận gộp quý I của Apple là 43,7%, cao hơn dự đoán của nhà đầu tư nhưng giảm nhẹ so với quý IV/2021. Theo Giám đốc Tài chính Apple Luca Maestri, số liệu quý II có thể thấp hơn nữa, từ 42% đến 43%.
Chi phí hoạt động trong quý trước là 12,58 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý II, Apple dự đoán chi phí tăng lên khoảng 12,8 tỷ USD. Cước vận tải đóng góp phần lớn vào mức tăng này. Một yếu tố khác liên quan đến thiếu hụt bán dẫn do phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc nửa đầu năm nay và thiếu hụt chip nói chung để hoàn thiện sản phẩm. Dù vậy, một điểm sáng, theo ông Cook, đó là một số linh kiện bắt đầu rẻ hơn.
Apple cũng có thể đối mặt với chi phí lao động tăng. Công ty sẽ tăng lương cho nhân viên văn phòng và bán lẻ sau khi các đối thủ như Google, Amazon và Microsoft làm điều tương tự nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Sức mua giảm
Chi phí tăng không phải viễn cảnh tồi tệ nhất của Apple. Rủi ro lớn nhất là lạm phát và các yếu tố vĩ mô khác ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm sản phẩm của hãng. Theo truyền thống, trong thời kỳ suy thoái hay sức mua sụt giảm, người dùng sẽ trì hoãn mua sắm các hàng hóa có thời gian sử dụng lâu dài như đồ điện tử.
Trong trường hợp của Apple, điều đó đồng nghĩa những ai đã mua điện thoại 1 hay 2 năm trước có thể không nâng cấp mẫu máy mới nhất năm nay, tiết kiệm tiền cho tới khi kinh tế tốt hơn. Các nhà đầu tư khá an tâm vì Apple sở hữu nền tảng người dùng trung thành, thường xuyên nâng cấp sản phẩm. Song, khi lạm phát diễn ra, lợi thế này có thể không còn nữa.
Cho đến thời điểm hiện tại, Apple vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm về nhu cầu. Vào tháng 4, công ty cho biết nhu cầu duy trì ở mức cao, vấn đề lớn hơn là có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu hay không. Tuy nhiên, đâu đó trên thị trường laptop và máy tính, đã có dấu hiệu của sự hụt hơi. Doanh số smartphone toàn cầu bắt đầu giảm. Micron Technology – nhà cung ứng memory cho Apple – cảnh báo danh số smartphone và PC sẽ thấp hơn đáng kể so với ước tính vì nhu cầu khách hàng giảm do lạm phát khắp thế giới.
Dù vậy, Apple vẫn còn hi vọng ở đối tượng khách hàng giàu có. Trong phân khúc “siêu cao cấp”, bao gồm điện thoại trên 1.000 USD, công ty chiếm 66% thị phần trong quý I, theo Counterpoint. Khi lạm phát tăng, phân khúc tầm trung và thấp cấp sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn, các nhà nghiên cứu của Counterpoint nhận định.
Khảo sát của Morgan Stanley từ tháng 6 chỉ ra 70% người tiêu dùng Mỹ dự định cắt giảm chi tiêu trong 6 tháng tới vì lạm phát. Song, các hộ giàu – hay khách hàng của Apple – lại có suy nghĩ tích cực hơn về triển vọng kinh tế.
Trong 5 năm qua, Apple đã vài lần tăng giá iPhone. Năm 2017, “táo khuyết” lần đầu giới thiệu iPhone 1.000 USD. Công ty lặng lẽ tăng giá khởi điểm iPhone vào năm 2020, từ 699 USD lên 799 USD. Mới đây nhất, tại Nhật, giá iPhone 13 tăng khoảng 20%, rẻ nhất từ 870 USD.
Liệu Apple có tăng giá iPhone lần nữa trong năm nay? CEO Tim Cook không loại trừ khả năng này.