Justin Gutmann, đại diện của một nhóm vận động vì quyền lợi người tiêu dùng tại Anh, khiếu nại lên Tòa án Kháng cáo Cạnh tranh ở London, cáo buộc Apple cố tình giảm hiệu năng các iPhone đời cũ nhưng che giấu, không thông báo cho người dùng.
Đơn kiện tập thể yêu cầu công ty Mỹ bồi thường 750 triệu bảng Anh (930 triệu USD) cho 25 triệu người mua iPhone tại Anh. Các mẫu iPhone được nêu trong vụ kiện được sản xuất trong khoảng thời gian 2015-2017, gồm iPhone 6, 6 Plus, 6s, 6s Plus, SE 2016, 7, 7 Plus.
Sau khi bị phát hiện làm chậm iPhone cũ, Apple bị tố vẫn tiếp tục che giấu thay vì thừa nhận và đền bù xứng đáng cho khách hàng. Đơn kiện có đoạn: "Thay vì có các hành động bày tỏ sự tôn trọng khách hàng và cung cấp dịch vụ thay pin miễn phí, sửa chữa hoặc bồi thường, Apple lại tiếp tục ẩn công cụ bóp hiệu năng trong các bản cập nhật mới".
Theo Gutmann, vụ kiện nhằm "đòi lại công bằng" cho người dùng Anh. Nếu thành công, ông kỳ vọng các hãng công nghệ lớn như Apple sẽ đánh giá lại mô hình kinh doanh và tránh những hành vi tương tự trong tương lai.
Cuối 2017, Apple thừa nhận đã làm giảm hiệu năng máy qua các bản cập iOS nhật để giữ iPhone an toàn, tránh bị tắt đột ngột do pin chai. Lý do hãng đưa ra là vì muốn "đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng, bao gồm hiệu suất tổng thể và kéo dài tuổi thọ của thiết bị".
Dù vậy, lời giải thích của Apple không được người dùng chấp thuận. Công ty sau đó nhận về "cơn mưa lời chê" cũng như các vụ kiện. Trong năm 2018, Apple đối mặt với 26 vụ kiện tập thể chỉ tính riêng ở Mỹ. Còn xét trên toàn thế giới, số vụ kiện lên đến 32. Hàn Quốc là nơi có nhiều người tham gia kiện tập thể nhất với gần 300.000 người.
Thời gian qua, Apple bị thua kiện ở nhiều nơi và buộc phải đền bù tổng cộng hàng trăm triệu USD cho khách hàng. Trong đó, năm 2020, Apple đã đồng ý trả trả 25-40 USD cho mỗi người dùng iPhone cũ tại 34 bang của Mỹ, với tổng số tiền 310 triệu-500 triệu USD, sau đó tăng thêm 113 triệu USD.