154d5192738t2335l2-hoc-sinh-thoi-chien-1637380572.jpg
Trường học sơ tán trong thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu

Người thầy dưới mái trường sơ tán

Đến bây giờ, thầy Lê Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) vẫn lưu giữ những ký ức về tháng ngày đứng trên bục giảng, thuở đất nước còn trong chiến tranh. Thầy Minh kể: “Quãng đời 38 năm làm công việc dạy học của tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với nhiều thế hệ học trò. Trong đó, thời gian đứng lớp trong những ngày Trường THPT Phan Đình Phùng sơ tán về xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (1965-1973) để lại trong tôi những ký ức khó quên”.

Thầy Lê Văn Minh (SN 1944, tại xã Thạch Tân, Thạch Hà) là cựu học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng khóa 1960-1963. Năm 1966, thầy tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Vinh và có 4 năm công tác tại Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

154d5193047t29513l0-1637380597.jpg
Thầy Lê Văn Minh ôn lại truyền thống của Trường THPT Phan Đình Phùng.

Năm 1970, thầy được chuyển về giảng dạy tại Trường THPT Phan Đình Phùng, lúc ngôi trường này đang sơ tán về tại xã Thạch Xuân. Những năm 1965-1973 là giai đoạn chiến tranh ác liệt, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trong đó, Hà Tĩnh có những cung đường là huyết mạch giao thông bị chúng ném bom dữ dội cả ngày lẫn đêm như: Ngã ba Đồng Lộc, đường 21, 22...

Tại ngôi trường sơ tán với những lớp học bằng tre tranh, nứa lá và xung quanh là hầm, hào trú ẩn, ngoài những kỷ niệm về tiếng kẻng báo động, vội vàng dừng giảng bài để học sinh xuống hầm tránh bom…, việc chia tay học sinh lên đường ra trận luôn khiến thầy Minh xúc động mỗi khi nhắc lại.

Thầy tâm sự: “Lúc đó, chiến tranh ác liệt, việc học sinh bất ngờ ra chiến trường là chuyện rất bình thường. Nhưng mỗi lần lên lớp nhận ra một vài chỗ ngồi thân quen bỏ trống, lòng thầy lại thương nhớ khôn nguôi. Vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các em phải gác giấc mơ đèn sách để cầm súng lên đường, có khi thầy trò không kịp nói một câu tạm biệt”.

154d5194901t55795l0-1637380621.jpg
Các thầy, cô giáo và học sinh lớp 12A, Trường THPT Phan Đình Phùng, niên khóa 1979-1982 nhân dịp về thăm trường. Ảnh tư liệu NVCC.

Vượt qua nhiều khó khăn gian khổ cùng đồng nghiệp và học trò, sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Trường THPT Phan Đình Phùng chuyển qua nhiều địa điểm và trở về vị trí như hiện nay. Nhiều thế hệ thầy cô của ngôi trường này đã dày công vun đắp, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò trưởng thành, đã và đang đóng góp cho đất nước cũng như tỉnh nhà. Bản thân thầy Lê Văn Minh với 38 năm cống hiến trong ngành giáo dục, ngoài công việc trực tiếp giảng dạy, thầy còn làm nhiều vai trò như: Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng nhà trường…

154d5195002t92866l0-1637380649.jpg
Một góc Trường THPT Phan Đình Phùng ngày nay.

“Tinh thần hiếu học và tôn sư trọng đạo của học sinh Hà Tĩnh nói riêng và Nhân dân Hà Tĩnh nói chung là động lực để thế hệ giáo viên chúng tôi luôn nỗ lực rèn luyện, cống hiến. Cho dù ngày đó, cuộc sống còn rất khó khăn” - thầy Lê Văn Minh chia sẻ.

Thầy cô cho em tương lai

Trở thành sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Hà Tĩnh trong năm học này đối với em Hồ Thị Sương (SN 2003, ở bản Rào Tre, Hương Liên, Hương Khê) là giấc mơ thành hiện thực. Để có được điều đó, Sương luôn ghi nhớ sự hỗ trợ của các tổ chức, chính quyền, đặc biệt là sự dìu dắt của các thầy cô dưới những mái trường ở vùng núi Hương Khê.

Sương kể: “Mỗi lần hình dung lại quãng thời gian vừa qua, trong em luôn đầy ắp kỷ niệm về thầy cô của mình. Trong đó, Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh là ngôi nhà thứ 2 của em và thầy cô như là những người bố, người mẹ luôn quan tâm dạy bảo, theo dõi từng bước đi của học trò”.

154d5194135t92264l0-1637380676.jpg
Hồ Thị Sương - sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Hồ Thị Sương là người dân tộc Chứt, sinh ra trong một gia đình có 4 người con, Sương là chị đầu của 3 đứa em. Từ năm lớp 6, em được vào học tại Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh đóng tại thị trấn Hương Khê. Tại đây, em và các bạn được ăn ở, sinh hoạt và học tập trong nhà trường, mỗi tháng chỉ về nhà 1-2 lần vào ngày chủ nhật, ngày lễ… Ngôi trường trở thành mái nhà mà ở đó, thầy cô ngoài việc giảng dạy còn kiêm thêm việc chăm sóc sinh hoạt cho học sinh trong cuộc sống thường ngày.

154d5194321t83606l0-1637380702.jpg
Cô giáo Trần Thị Lê Na (áo hồng ở giữa) - Giáo viên Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh là giáo viên chủ nhiệm em Hồ Thị Sương trong 3 năm học THPT. Ảnh tư liệu NVCC

“Có nhiều lần em bị ốm, sốt mê man, nằm trong ký túc xá nhà trường mà em cứ gọi mẹ mãi. Khi mở mắt ra, thì cô Hương (cô Tôn Thị Hương - chủ nhiệm Sương lớp 6-9) đã ở bên cạnh. Cô không chỉ đắp khăn mát, bón cháo cho em ăn mà còn ân cần vỗ về để em cố gắng. Còn những năm THPT, cô Trần Thị Lê Na không chỉ là người chỉ bảo những kiến thức về giới tính, tâm lý riêng tư cho em mà còn giúp em định hướng nghề nghiệp…” - em Hồ Thị Sương kể.

Giờ đây, khi đã trở thành sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh, với sự tiếp sức của các thầy cô và tổ chức xã hội, Sương đang nỗ lực thực hiện ước mơ của mình. Em mong chờ đến ngày trở thành giáo viên để tiếp tục “gieo con chữ” cho các em nhỏ đồng bào mình ở bản Rào Tre, như những gì em đã nhận được từ thầy cô của mình./.