Tổng cục Thủy lợi vừa có báo cáo gửi Thứ trưởng Bộ NNPTNT về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi năm 2021.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 15/4/2022, đã phát hiện 51.827 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, giảm 1.190 vụ so với năm 2020 (53.017 vụ). 

Trong đó, có 3 tỉnh không có vi phạm (Lai Châu, Đà Nẵng và Vĩnh Long), 5 tỉnh có số vụ việc vi phạm trên 1.000 vụ (Hưng Yên 6.737, Thanh Hóa 2.684, Nghệ An 6.346, An Giang 25.447). 

Theo Tổng cục Thủy lợi, vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi có 46.012 vi phạm (tăng 60 vụ so với năm 2020), chiếm 88,8% tổng số vụ vi phạm, như: Xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, chuồng trại chăn thả gia súc, xây tường bao, xây dựng bến, bãi bốc dỡ hàng hóa; tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư phương tiện; đào ao nuôi trồng thủy sản; khai thác vật liệu xây dựng; trồng cây lâu năm, quản lý an toàn hồ chứa thủy lợi... 

Vi phạm quy định đổ rác thải, chất thải; xả nước thải vào công trình thủy lợi có 2.612 vi phạm; vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi có 2.652 vi phạm... 

de-dieu-1651661448831537515820-1651721819.jpeg
Hàng loạt nhà xưởng xây dựng ngay cửa thoát nước trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thuộc địa phận xóm 3, xóm 4, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Quang Minh.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy lợi, dù số vụ vi phạm lớn nhưng kết quả xử lý vi phạm còn thấp và hiệu quả chưa cao.

Tổng hợp báo cáo của 61/63 tỉnh cho thấy, cả nước đã xử lý được 34.395 vụ (chiếm 66,37%), còn tồn đọng 17.432 vụ (33,63%). 

Nguyên nhân là do sự chỉ đạo, phối hợp và chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý chuyên ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa kịp thời và thiếu đồng bộ. 

Công trình xây dựng từ lâu và qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tỉnh chưa ban hành phạm vi vùng phụ cận và các tỉnh cơ bản chưa triển khai công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ công trình cũng như việc xác định và xử lý vi phạm. 

Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ công trình thủy lợi, chưa thực sự quyết liệt vào cuộc để xử lý. 

Việc phát hiện vi phạm còn chậm, chế tài xử lý trong công tác giải tỏa, cưỡng chế và khung phạt hành chính chưa đủ mạnh; người dân vi phạm không xử lý, nếu có xử lý cũng không cương quyết, còn né tránh, ngại va chạm. 

Thậm chí một số địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. 

Từ thực tế đó, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường trách nhiệm quản lý nguồn thải, đảm bảo chất lượng nước thải đạt chuẩn theo quy hoạch sử dụng nước trước khi xả vào công trình thủy lợi; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm xả nước thải, rác thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận.

Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định.

Tiếp tục triển khai thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ.

Thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc các công ty do Bộ quản lý./.