Vấp phải sự phản đối gay gắt của hầu như tất cả các thành viên trong chính phủ cũng như nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ, Thủ tướng Anh Boris Johnson sáng ngày 7/7 đã phải chấp nhận từ chức, chấm dứt gần 3 năm cầm quyền với hàng loạt các vụ việc gây tranh cãi.

Quyết định từ chức được Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra vào khoảng 8h30 sáng thứ Năm (7/7), theo giờ London, sau khi ông Boris Johnson có cuộc gặp với ông Graham Brady, Chủ tịch Uỷ ban 1922 đầy quyền lực quy tụ các nghị sĩ của đảng Bảo thủ trong Nghị viện và là nơi đặt ra các điều lệ chính cho đảng Bảo thủ.

Tại cuộc gặp, ông Boris Johnson đã chấp nhận từ chức Thủ tướng Anh nhưng cho biết muốn tiếp tục nắm quyền đến mùa Thu năm nay, cho đến khi đảng Bảo thủ tìm kiếm được lãnh đạo mới thay thế.

2-1657194136.jpg
Thủ tướng Anh Boris Johnson chấp nhận từ chức. Ảnh: Reuters

Sức ép từ chức với ông Boris Johnson lên đến đỉnh điểm ngay trong đầu giờ sáng 7/7 khi có thêm 4 Bộ trưởng nộp đơn từ chức, nâng tổng số quan chức chính quyền từ chức trong 3 ngày qua lên gần 50 người. Ngay cả một số Bộ trưởng mới được ông Boris Johnson bổ nhiệm cách đây 2 ngày cũng đã công khai xuất hiện trên truyền thông Anh kêu gọi ông Boris Johnson nên ra đi vì tình thế đã không thể cứu vãn.

Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Nadhim Zahawi thậm chí còn công bố một thông cáo trong đó kêu gọi ông Boris Johnson “hành động vì lợi ích quốc gia, lắng nghe điều đúng đắn trong tim mình và ra đi ngay lập tức”.

Trong tình thế đó, tất cả các chuyên gia chính trị Anh đều cho rằng, ông Boris Johnson không còn bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức vì chính phủ Anh trên thực tế đang tê liệt. Nếu ông Boris Johnson kiên quyết không từ chức và tìm cách tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn để giữ ghế, nước Anh có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng Hiến pháp nghiêm trọng. Trước đó, ông Boris Johnson đã đe doạ sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, điều đồng nghĩa với việc đặt đảng Bảo thủ vào một nguy cơ thất bại toàn diện.

Dự kiến, ông Boris Johnson sẽ có bài phát biểu trong ít giờ tới để công bố chính thức quyết định từ chức. Dấu hỏi đặt ra hiện nay là liệu ông Boris Johnson sẽ từ chức ngay lập tức hay sẽ từ chức sau một khoảng thời gian nữa, giống như những gì người tiền nhiệm là bà Theresa May đã làm năm 2019? Trong trường hợp ông Boris Johnson từ chức ngay lập tức, nước Anh sẽ phải có một Thủ tướng tạm quyền bởi theo luật pháp Anh, nước này luôn luôn phải có một người giữ vị trí Thủ tướng. 

Về lý thuyết, ông Dominic Rabb, Phó Thủ tướng và là Bộ trưởng Tư pháp Anh, sẽ là người nắm giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền nếu ông Boris Johnson từ chức ngay lập tức nhưng trong trường hợp ông Dominic Rabb cũng tham gia cuộc chạy đua tranh chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, chính quyền Anh sẽ phải tìm một người khác thay thế và việc này có thể kéo dài vài ngày hoặc thậm chí 1-2 tuần. 

Nhiều khả năng kịch bản này sẽ xảy ra bởi các đảng đối lập cũng như rất nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ hiện đều phản đối việc ông Boris Johnson tiếp tục nắm quyền tạm thời trong một khoảng thời gian chờ đến khi đảng Bảo thủ chọn được lãnh đạo mới.

Lãnh đạo Công đảng, Keir Starmer, Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland (SNP), bà Nicola Sturgeon đều đã ngay lập tức ra thông cáo yêu cầu ông Boris Johnson ra đi ngay lập tức chứ không phải đợi đến mùa Thu năm nay. Theo truyền thông Anh, hiện có gần 10 ƯCV tiềm năng sẵn sàng tham gia chạy đua chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ để lên làm Thủ tướng Anh, trong đó nổi bật có đương kim Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss./.