Tháng ngày tạm bợ ven sông
Năm 2018, bão số 4 quăng quật, lũ lớn từ Lào đổ về bao vây Lượng Minh khiến 230 hộ dân quanh khu vực phải di dời khẩn cấp. Hàng loạt nhà cửa sạt lở, nhiều tài sản, hoa màu của người dân rẻo cao ngậm ngùi bị dòng lũ dữ cuốn trôi.
Nhiều nhà cửa của người dân tại bản Minh Phương bị lũ cuốn phăng, buộc họ phải tá túc nhờ tại các bản khác. Một số làm lán trại tạm bợ trên những ngọn đồi, dọc các tuyến đường giao thông, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng gian nan. Nhiều hộ dân cùng cả trăm nhân khẩu từ đó đến nay vẫn ngày đêm khổ sở "đánh vật" với nơi ăn, chốn ở.
Chị Vi Thị Liên (bản Minh Phương) ôm đứa con nhỏ đứng bên dòng Nậm Nơn chia sẻ, mái lều tạm của chị được dựng chênh vênh sát sông sau khi căn nhà cũ bị lũ cuốn trôi.
"Khốn khổ vô cùng. Mùa mưa lũ, biết đối diện hiểm nguy nhưng không còn cách nào khác” - người đàn bà miền sơn cước dỗ con thơ, thở dài.
Nhiều hộ gia đình khác tại xã này cũng cùng cảnh ngộ. Thống kê từ chính quyền sở tại, trận lũ năm 2018 khiến tổng cộng 17 gia đình phải tái định cư khi nhà của họ bị dòng lũ dữ san bằng.
Tháng 8/2018, UBND huyện Tương Dương đã vào cuộc với dự án San lấp mặt bằng khẩn cấp để bố trí chỗ ở cho 17 hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt với mong muốn nhanh chóng ứng cứu cho dân đang trong tình thế nguy nan.
Ngày 10/10/2018, cơ quan này có Quyết định số 1283/QĐ-UBND phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công - Dự toán và giá các gói thầu dự án nêu trên. Quyết định ghi rõ các hạng mục của dự án phần này nhanh chóng hoàn thiện vào cuối tháng 11 cùng năm.
Ngày 27/3/2019, cơ quan này tiếp tục ra Quyết định số 312/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu tái định cư để bố trí chỗ ở khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt thuộc vùng hạ lưu thủy điện Bản Vẽ.
Công trình sau đó được xây dựng hoàn thành cơ bản. Tuy vậy, mái ta luy sau đó xảy ra tình trạng sạt lở, chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng bởi nguy cơ cao mất an toàn.
UBND huyện Tương Dương sau đó có dự toán kinh phí 3 tỷ đồng để sửa chữa, gồm các hạng mục như bạt mái taluy dương chỗ có nguy cơ sạt lở; sửa chữa đường mương; các công trình điện, nước... Nhưng việc lập hồ sơ lựa chọn nhà thầu các hạng mục nói trên ì ạch khá lâu, dẫn đến việc sửa chữa tiếp tục "treo" trong thời gian dài.
Bao giờ an cư?
Những ngày rong ruổi tại Lượng Minh, tận thấy cuộc sống bấp bênh của nhiều người dân bản địa trong những căn nhà tạm bợ mấp mé bên sông, chúng tôi thấm thía nỗi đau đáu của họ về một chốn an cư.
Tại xã Lượng Minh, bên cạnh khu dự án tái định cư cho 17 hộ tại bản Minh Phương, chính quyền sở tại bố trí thêm một khu tái định cư khác tại bản Lả, ngay phía sau trụ sở UBND xã cho 34 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất ven sông Nậm Nơn.
Công trình dù đã hoàn thành xây dựng sau đó, nhưng diện tích bố trí cho các hộ dân quá nhỏ, chiều rộng khoảng 10m chỉ phù hợp cho việc xây nhà ống. Dân hết sức ái ngại, không mặn mà chuyển đến khu vực này. Thời điểm hiện tại còn nhiều lô đất vẫn trong tình thế "mỏi mắt" đón đợi cư dân.
Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, ông Vi Đình Phúc thông tin, nhiều gia đình có dự định làm nhà nhưng chưa biết đến bao giờ bởi kinh tế khó khăn, còn phụ thuộc "con cái đi làm ăn xa lúc nào gửi tiền về đủ".
Tại khu tái định cư dành cho 17 hộ dân ở bản Minh Phương hiện tại cũng chỉ có một số hộ dân chuyển vào sinh sống. Các hộ khác, sốt ruột vì thời gian chờ đợi quá lâu đã tự tìm nơi ở mới, hộ bên mép sông, có gia đình thì chọn dưới những sườn đồi.
Trả lời Gia đình Việt Nam vào sáng 5/7, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, thời điểm hiện tại còn một số hộ chưa chuyển đến nơi ở mới do chưa đồng ý với phương án đất đai.
"Dân đề xuất làm rộng hơn, nhưng vướng mắc ở chỗ diện tích mặt bằng không có và nguồn kinh phí của tỉnh duyệt trước mắt chỉ có vậy" - ông Nhất nói.
Một mùa mưa bão nữa đang đến, không ít gia đình tại xã rẻo cao Lượng Minh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở đất thời điểm hiện tại vẫn đang lâm cảnh sống tạm bợ bên những sườn đồi, mấp mé ven sông, ngày ngày đối diện hiểm nguy rình rập.
Chia tay trong chiều muộn, những người dân miền sơn cước cố nén không bật phát ra những tiếng thở dài, chỉ đau đáu một câu hỏi: "Bao giờ được an cư".
Theo Quang Minh - Anh Tuấn -giadinhonline.vn