La Thị Phúc, sinh năm 2000, hiện đã có 3 con. Ngày ngày, chồng đi vác keo thuê, Phúc ở nhà chỉ biết bế con ra trước bậu cửa nhìn ra đợi chồng về. Vườn nhà Phúc chỉ toàn cỏ mọc.
4 năm hạ sơn vẫn "vườn không nhà trống"
Khác với hoàn cảnh "4 không" (không điện, đường, trường, trạm) của 50 hộ người Đan Lai ở Khe Nóng, xã Châu Khê, 35 hộ dân người Đan Lai ở bản Cò Phạt sau khi được tái định cư hiện cuộc sống vẫn rất bấp bênh.
Nằm trong Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, cuối năm 2019 chính quyền địa phương ở Nghệ An đã tiến hành tái định cư cho 35 hộ người Đan Lai từ khu vực rừng sâu thuộc bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) ra quần tụ tại bản Bá Hạ (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông).
Đã gần 4 năm về nơi ở mới, mặc dù được sự hỗ trợ hết sức của chính quyền, nhưng cuộc sống của hàng chục hộ dân đồng bào Đan Lai tại bản Bá Hạ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Những người dân vốn quen với việc vào rừng săn thú, hái rau, xuống suối bắt cá hiện vẫn "xa lạ" với cuộc sống nơi đồng bằng.
35 hộ dân người Đan Lai ở bản Bá Hạ trước đây sống trong vùng lõi giữa đại ngàn Pù Mát, nơi thượng nguồn Khe Khặng. Khoảng chục năm về trước, muốn đến nơi này, người dân phải đi bộ cắt rừng rồi dùng thuyền nhỏ men khe suối mới vào đến nơi.
Khác hẳn với nơi "thâm sơn cùng cốc" trước đây, về nơi ở mới, 35 hộ dân bản Bá Hạ hiện được sống trong những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố. Cả bản nằm dưới thung lũng, bao quanh là những tán rừng xanh tốt.
Cơ sở hạ tầng ở Bá Hạ đều được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại. Khó khăn lớn nhất là người dân nơi đây thiếu nước sạnh. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 6, khi PV có mặt tại đây, đơn vị cấp nước đang đấu nối đường ống. Chỉ một thời gian ngắn nữa, bài toán nước sạch có lời giải.
Anh Lê Văn Luông (tên gọi khác là Điệp) - Phó bản Bá Hạ - cho biết: Mỗi hộ dân khi về đây đều được làm nhà và có vườn rộng khoảng 700m2 . Ngoài ra, mỗi hộ cũng được giao bảo vệ 2ha rừng và một ít ruộng nước. Khác với những mái nhà tranh, vách nứa trước đây, các hộ dân đều được sống trong những ngôi nhà xây khang trang.
Điều kiện sống ở đây rất tốt, khác xa với bản cũ trước đây nhưng điều khiến anh Luông day dứt là 35 hộ dân Đan Lai ở bản Bá Hạ, trong đó có chính gia đình anh, hiện vẫn là hộ nghèo. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản, anh Luông buông tiếng thở dài: "Vườn rộng nhưng hầu hết chỉ toàn cỏ dại. Đất đai ở đây rất tốt nhưng ít gia đình tăng gia trồng rau. Họ có thể chơi, có thể ngủ cả ngày và… chẳng làm gì cả".
Cũng như nhiều hộ dân nơi đây, vườn nhà chị La Thị Phúc cũng toàn cây dại, lối vào nhà cỏ mọc cao quá tận đầu gối. Phúc còn rất trẻ, sinh năm 2000, nhưng đã có đến 3 con, đứa lớn 4 tuổi, út 1 tuổi. Phúc cho biết, vì phải chăm 3 đứa con nhỏ dại nên kinh tế gia đình do một mình chồng La Văn Hợi (SN 1998) lo cả. Hợi ngày ngày đi vác keo thuê, đi từ sáng sớm đến tối mịt để kiếm vài trăm nghìn mang về nuôi gia đình.
Ngày ngày, chồng đi làm, Phúc ở nhà chỉ biết bế con ra trước bậu cửa nhìn ra đợi chồng về. Phúc bảo, không biết làm vườn, muốn chăn nuôi lại không có tiền mua con giống. Bao năm qua, ngoài thời gian nuôi con, Phúc gần như không biết làm thêm việc gì.
Mặc dù nhà được xây rất đẹp và kiên cố nhưng trong nhà của Phúc hoàn toàn trống trơn, không có bất kỳ tàn sản nào đáng giá. Đó cũng là tình cảnh chung của hầu hết các hộ dân Đan Lai nơi đây.
Những ngôi nhà hoang ở Bá Hạ
Ở bản Bá Hạ, gia đình Phó bản Lê Văn Luông gần như khác biệt với hầu hết những nhà còn lại. Cũng là nhà sàn bằng bê tông nhưng được anh Luông chăm chút nên trông sạch sẽ, gọn gàng. Trong nhà, vị Phó bản đều sắm đầy đủ xe máy, tủ lạnh...
Vườn nhà anh Luông xanh mướt mắt với những vườn rau và cây ăn trái. Quanh vườn, được anh tận dụng trồng keo, những tán keo sau 4 năm đã cao đến nóc nhà. "Tôi có đến 6 người con, trong khi đất sản xuất ở đây ít quá, nếu có nhiều đất, gia đình tôi đã thoát ra khỏi hộ nghèo", anh Luông bày tỏ.
Nhà anh Luông ở dãy phía sau đỉnh đồi, năm 2019 anh bốc thăm được ngôi nhà số 1. Dãy này có tất cả 5 nhà nhưng có 2 nhà đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Chủ nhà đi đâu, làm gì anh Luông cũng như người dân trong bản không ai hay biết.
Đó là nhà số 3 trong khu tái định cư của anh Lê Văn Thảo (SN 1983). Anh Thảo li dị vợ và sống với con trai. Trước đây, anh Thảo thường gửi con cho người thân rồi đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới ghé thăm nhà. Thế nhưng, đã mấy năm nay không ai còn thấy bố con anh Thảo quay về, ngôi nhà khóa trái cửa im lìm, hoang lạnh.
Ở cuối dãy là ngôi nhà số 5 của chị La Thị Xon (SN 1985). Chị Xon sống một mình nhưng cũng vắng mặt tại bản. Qua tìm hiểu của vị Phó bản, chị Xon vào miền Nam làm ăn từ nhiều năm nay. Cũng giống như anh Thảo, chị Xon cũng chẳng quay về nhà. Nhà chị Xon giờ trở thành nơi trú ngụ cho trâu bò.
Theo anh Luông, một số hộ ở đây cũng đóng cửa đi quanh năm suốt tháng như gia đình chị Lê Thị Sài. Tuy nhiên, vợ chồng chị Sài mang theo con đi làm ăn xa, đến Tết lại quay về sum họp cùng bà con dân bản.
Anh Luông đánh giá, mọi điều kiện sống ở Bá Hạ đều tốt hơn rất nhiều so với bản Cò Phạt trước đây. Thế nhưng, ngày có dự án đưa các hộ dân về tái định cư, anh Luông cũng như chính quyền địa phương phải vận động rất nhiều, bởi có hộ không muốn rời xa rừng. Sau khi về nơi ở mới, cuộc sống gặp khó khăn, nhiều hộ lại đòi quay về bản cũ, anh Luông lại phải ra sức thuyết phục.
Mặc dù đã "hạ sơn" được hơn 4 năm nhưng chúng tôi rất bất ngờ khi nhiều người dân Đan Lai ở Bá Hạ vẫn rất ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ. Thậm chí, có người khi chúng tôi hỏi chuyện đã thẳng thừng từ chối, người khác thì chỉ trả lời vài câu qua quýt rồi vào nhà đóng chặt cửa.
"Họ vẫn sống khép mình và chưa có nhiều thay đổi. Tôi cũng động viên các hộ dân chỉ cần chăm chỉ, chịu khó làm ăn, như thế sẽ đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng, không dễ thay đổi ngay được. Đến ruộng của các hộ dân tôi cũng phải lo lấy nước cho họ cấy, nếu không họ bỏ hoang luôn", Phó bản Lê Văn Luông tâm sự.
Ông Lô Thanh Huấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn - cho biết, chính quyền địa phương đã dành cho các hộ dân người Đan Lai ở bản Bá Hạ sự quan tâm đặc biệt. Ngày mới về, lãnh đạo xã đã huy động toàn bộ đoàn thể vào Bá Hạ giúp dân. Cụ thể, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh, mỗi tổ chức giúp đỡ 5 hộ; Hội Nông dân hỗ trợ 6 hộ và Hội Liên hiệp Phụ nữ giúp đỡ 6 hộ…
Bên cạnh đó còn có tổ chỉ đạo sản xuất do Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, trực tiếp hướng dẫn bà con, tập huấn kỹ thuật, phát giống cho bà con trồng ngô, trồng lúa, trồng rau và các loại cây ăn quả tại vườn. Một số hộ năng động còn được hướng dẫn đào ao thả cá, tận dụng triền đồi trồng các loại cây để tăng sinh kế hoặc làm chuồng để chăn nuôi gà, ngan...
Sự tận tâm của chính quyền địa phương là rất đáng ghi nhận nhưng đến nay, chứng kiến cuộc sống của các gia đình Đan Lai ở Bá Hạ có thể thấy, để người dân quen với tập tục sản xuất nông nghiệp và cuộc sống nơi đồng bằng còn phải mất rất nhiều thời gian.
Theo Anh Quân - phunuvietnam.vn