photo1648912552205-164891255232152624560-1648995682.jpeg

Quan tâm để nhận ra trẻ bất thường

PGS.TS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, rối loạn trầm cảm lo âu ở nhóm vị thành niên rất thường gặp. Rối loạn trầm cảm lo âu có tỷ lệ gặp 25-35% trong dân số và cao ở nhóm tuổi vị thành niên nhưng chưa được phát hiện và can thiệp sớm.

Hầu hết, trẻ chỉ được can thiệp khi trầm cảm đã nặng, thậm chí có tìm đến cái chết gia đình mới bàng hoàng nhận ra con có vấn đề. Đây là một điều rất đáng tiếc.

Điển hình đó là trường hợp bệnh nhân C (đang học lớp 11 tại một trường chuyên ở Hải Phòng). Bệnh nhân C đã có 2 lần uống thuốc trừ sâu tự tử, gia đình phát hiện và ngăn cản kịp thời. Dù vậy bố mẹ C không cho rằng con có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cần được đi khám.

Chỉ khi bác ruột của C khuyên nhủ, phân tích, động viên, bố mẹ bệnh nhân mới chấp nhận và đưa con đi khám.

Khi khai thác tiền sử của bệnh nhân C, bác sĩ Hồng Thu đã rất bất ngờ vì con có triệu chứng chống đối hay cãi bố mẹ đã kéo dài 2 năm qua. Trong suốt 2 năm đó, bệnh nhân không ăn cơm cùng bố mẹ. Bản thân bệnh nhân C cũng tìm mua sách tâm lý về đọc để tự mình "thoát" khỏi tình trạng đó.

Về phía bố mẹ của bệnh nhân C, họ cũng biết con có những thay đổi về tâm lý nhưng nghĩ con đang tuổi mới lớn "ẩm ương" do trên lớp con vẫn vui vẻ với các bạn, học tập bình thường, chỉ khi về nhà con mới sống thu mình, chống đối bố mẹ.

"Con tâm sự với tôi mỗi ngày đi học với con như một cực hình", bác sĩ Thu nói

Hay như trường hợp của cháu A (Hà Nội) là du học sinh tại Singapore. Cháu được phát hiện ra bệnh khi đang học năm thứ 2 đại học tại Singapo. Theo gia đình chia sẻ thì từ bé đến lớn cháu học rất giỏi. Cháu đã tự thi được học bổng toàn phần sang Singapore học cấp 3 và sau đó lên đại học.

20190620141713171873155892966077584221max-1800x1800-1648912520889384482530-1648995702.jpg
Trẻ dễ bị trầm cảm, ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, đến năm thứ 2 đại học, cháu buộc phải thôi học do liên tục thi trượt các môn. Sau đó, cháu về Việt Nam và xin học lại cấp 3. Thời điểm về Việt Nam, các triệu chứng trầm cảm của cháu bộc lộ rất rõ như: buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, mất ngủ nặng nề, có ý định tự tử. Khi đó bố mẹ mới đưa cháu đi khám.

"Khi tôi nói chuyện thì phát hiện từ khi học lớp 7-8 cháu đã ngủ kém, hay cãi bố mẹ... Bản thân A cũng không hiểu tại sao lại như vậy? Trường hợp này sau khi điều trị bệnh ổn định, con đã quay trở lại cuộc sống, học tập tốt", bác sĩ Thu chia sẻ.

Dấu hiệu trẻ trầm cảm

Bác sĩ Thu cho biết, để phát hiện rối loạn trầm cảm lo âu sớm ở nhóm tuổi học sinh rất dễ chỉ cần bố mẹ đủ quan tâm để nhận ra bất thường của con.

Dưới đây, một số triệu chứng được bác sĩ Hồng Thu đưa ra để giúp cha mẹ nhận ra con có vấn đề rối loạn trầm cảm cần được can thiệp:

- Rối loạn giấc ngủ: Trẻ có thể ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, 80% các trường hợp trẻ trầm cảm mất ngủ.

- Ngại giao tiếp: Trẻ sẽ thu mình ít tham gia vào các hoạt động trong gia đình. Một số trẻ có thể trên lớp bình thường nhưng về nhà thì lại cáu gắt, hay cãi bố mẹ.

- Trẻ ăn uống kém, mệt mỏi không có sức lực.

- Trẻ cảm thấy buồn chán, mất phương hướng

- Trẻ học hành khó tập trung, kết quả học tập sút kém…

Một số trẻ có chứng rối loạn dạ dày ruột, một số trẻ sẽ có triệu chứng cơ thể như đau lưng, đau vai gáy….

Rối loạn trầm cảm ở mức độ nặng trẻ sẽ có những suy nghĩ bất mãn, tiêu cực, tự trách bản thân và thường có ý định tự sát…

Theo PGS.TS Hồng Thu rối loạn trầm cảm luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta nhưng thường dễ khởi phát vào thời điểm có những áp lực, ví dụ thi cử, học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ có các triệu chứng trên nếu kéo dài trên 2 tuần thì cần phải đi khám sớm vì nếu bình thường, trẻ có buồn chán mấy, bất mãn tới bố mẹ tới đâu cũng nhanh chóng qua đi chứ không kéo dài.

PGS.TS Hồng Thu cho biết: "Hiện nay, rất nhiều phụ huynh vẫn có quan điểm quá nặng nề về vấn đề rối loạn trầm cảm do gắng liền với chữ tâm thần. Nhưng ít phụ huynh biết, rối loạn trầm cảm hiệu hữu ở khắp nơi và có thể gặp ở tất cả mọi người.

Rối loạn trầm cảm nếu được can thiệp sớm bệnh nhân sẽ sớm trở về cuộc sống bình thường. Nếu trẻ không được can thiệp điều trị sớm sẽ rất thiệt thòi, nguy hiểm tới tính mạng".

Bác sĩ Hồng Thu lưu ý thêm, tất cả mọi người cần phải coi trọng sức khỏe tâm thần ngang hàng so với sức khỏe thể chất. Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì cũng nên sẵn sàng điều trị như các bệnh lý cơ thể khác, tránh để khi xảy ra hậu quả đáng tiếc mới hối hận./.