Sáng nay (1/10), theo quyết định của Chủ tịch nước, 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024.

Trong đó, đáng chú ý có 403 người phạm tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 275 người phạm các tội về chức vụ; còn lại là 64 người phạm tội giết người, 205 người phạm các tội ma túy, 91 người phạm tội hiếp dâm, 156 người phạm tội cướp giật tài sản, 77 người phạm tội trộm cắp và 2.494 người phạm các tội khác

Đặc biệt, đợt đặc xá lần này có 20 phạm nhân quốc tịch nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thông tin, sau khi được đặc xá, phía Việt Nam sẽ gửi công hàm đến các cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán nước ngoài để phối hợp triển khai các thủ tục liên quan để đưa những người này về nước hoặc những nơi an toàn.

Cảm ơn chính sách nhân đạo của Việt Nam

Phạm nhân Wang Yong Yang (45 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), hiện đang chấp hành án tại Trại giam Vĩnh Quang- thuộc Bộ Công an (đóng trên huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, bị bắt vào năm 2021 vì sản xuất hàng giả và lĩnh án 5 năm tù.

Trong thời gian chấp hành án tại trại giam Vĩnh Quang, Wang Yong Yang được học nghề may túi và học tiếng Việt. Tháng 8 vừa qua, nghe hệ thống phát thanh trong trại giam thông báo năm nay có đặc xá, nên Wang Yong Yang đã viết đơn.

f-1727735245.PNG
Phạm nhân Wang Yong Yang.

Được là 1 trong 9 trường hợp được xét đặc xá năm 2024, Wang Yong Yang rất cảm ơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Wang Yong Yang cho biết, ông cảm thấy pháp luật Việt Nam rất tốt. Nghiêm khắc, công bằng, nhân đạo.

Người đàn ông Trung Quốc khẳng định sẽ “không bao giờ làm giả nữa” và dự tính sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai để sản xuất túi – nghề Wang Yong Yang đã học trong Trại giam Vĩnh Quang.

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, trại giam Vĩnh Quang hiện đang giam giữ hơn 400 phạm nhân người nước ngoài, chiếm khoảng 2/3 số phạm nhân có quốc tịch nước ngoài trên phạm vi cả nước. Năm nay, trại giam Vĩnh Quang có 9 trường hợp phạm nhân người nước ngoài được đề nghị đặc xá.

“9 phạm nhân người nước ngoài được đề nghị đặc xá đều chấp hành nghiêm nội quy của cơ sở giam giữ, các quy định của pháp luật Việt Nam và có ý thức trong lao động cải tạo, hoàn thành tốt chỉ tiêu lao động học nghề trong quá trình chấp hành án”, Thượng tá Sơn thông tin.

Mong muốn về nhà giúp bố mẹ

Có tên trong đợt đặc xá lần này, phạm nhân Đặng Văn Hân (sinh năm 1994, quê Mai Động, Kim Động, Hưng Yên) cho biết, bản thân bị bắt năm 22 tuổi vì vận chuyển trái phép ma túy đá từ Hưng Yên qua Hà Nam và lĩnh án 16 năm tù.

Trong quá trình Đặng Văn Hân chấp hành án tại Trại giam Đồng Sơn. Được nhắc đến là trường hợp có đủ điều kiện xét duyệt đặc xá, Hân hào hứng kể: “Tôi được tham gia các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, được các cán bộ phổ biến về xóa án tích, cho vay vốn, làm căn cước công dân, ra đường phải chấp hành tốt Luật giao thông và tất cả mọi thứ”. Khi được hỏi về định hướng công việc sau khi trở về, Đặng Văn Hân dự định sẽ nhờ Nhà nước hỗ trợ vay vốn để cố gắng làm ăn, đỡ đần gia đình.

8-1727735284.PNG
Phạm nhân Đặng Văn Hân (sinh năm 1994, quê Mai Động, Kim Động, Hưng Yên)

Năm 2024, Trại giam Đồng Sơn có 24 trường hợp được đặc xá. Đại tá Hồ Sỹ Lưu, Giám thị Trại giam Đồng Sơn cho biết, quy trình xét đặc xá phải đảm bảo tiêu chí vừa chặt chẽ vừa nhằm mục đích động viên và giáo dục phạm nhân trong quá trình cải tạo, chấp hành án.

Ngoài ra, Trại giam Đồng Sơn đã tổ chức các lớp học về văn hóa, pháp luật, kiến thức về hòa nhập cộng đồng dành cho những phạm nhân trong diện được xét đề nghị đặc xá để khi phạm nhận đủ điều kiện sẽ nhanh chóng để hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại lỗi lầm

Đặc xá là chủ trương có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm của họ đã phạm phải, đánh giá kết quả cải tạo của bản thân, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

Qua báo cáo của Bộ Công an, tuyệt đại đã số những phạm phân đã được đặc xá trước đây đều có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, có nhiều người đã có cuộc sống ổn định, có người thành đạt và tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng xã hội, được ghi nhận.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cũng như các lần đặc xá trước đây, quá trình xét, quyết định đặc xá cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật.

“Đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam đều được xét đặc xá”- ông Phạm Thanh Hà khẳng định.