Thời gian qua, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông, giám sát việc cập bến tại các khu vực không được phép dừng, đỗ, bốc dỡ hàng hóa. Đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị có bến bãi tập kết kinh doanh VLXD đã bị xử phạt.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Nghi Xuân hiện có 9 đơn vị có bến bãi tập kết kinh doanh cát xây dựng, tập trung chủ yếu ở các xã: Xuân Lam, Xuân Giang, Xuân Hải. Do đặc thù về mặt hàng kinh doanh nên các bến bãi tập kết, kinh doanh cát xây dựng này phải được cấp phép, xây dựng bến thủy nội địa – công trình có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện thủy nội địa neo, đậu xếp dỡ hàng hóa. Song tới thời điểm này, cả 9 bến bãi tập kết kinh doanh cát xây dựng tại huyện Nghi Xuân đều không được ngành chức năng cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.
Bên cạnh đó, 25 bến bãi tập kết kinh doanh VLXD (chủ yếu là cát xây dựng) tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Hương Sơn, TX Hồng Lĩnh, Thạch Hà... đều chưa được cấp phép xây dựng bến thủy nội địa để tàu, thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa. Điều này đồng nghĩa từ trước đến nay, việc cập bến để bốc dỡ hàng hóa của các phương tiện đường thủy tại 34 bãi tập kết cát xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh đều vi phạm các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Trần Toản – Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho biết: Việc 34 bến bãi tập kết kinh doanh VLXD trên địa bàn, chưa được đưa vào quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước thực tế này, Sở đã xin ý kiến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và tham mưu cho UBND tỉnh tích hợp các bến bãi tập kết kinh doanh VLXD vào quy hoạch vùng huyện. Hiện nay, tỉnh đã có văn bản giao cho các địa phương tích hợp vào quy hoạch vùng huyện.