Ngỡ ngàng vì giá đất "khủng"
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, tháng 1, UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phê duyệt và ký kết với Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (thành phố Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 9 lô đất ở nông thôn tại xã Lâm Trung Thủy. Trong đó có 8 lô đất với diện tích 160m2 với giá khởi điểm là hơn 3,5 tỷ đồng/lô và một lô diện tích 263m2 có giá khởi điểm là hơn 4,7 tỷ đồng. Và bước giá trên một lần đấu là từ 176 triệu đồng đến 237 triệu đồng, tùy theo diện tích từng lô.
Đây là những lô đất bám mặt quốc lộ 8A đã được chính quyền thu hồi, phê duyệt giá bồi thường đất lúa cho người dân, sau đó tổ chức bán đấu giá đất ở. Vị trí 9 lô đất này cách trung tâm hành chính huyện Đức Thọ gần 4km.
Ngày 18/2, phiên đấu giá diễn ra nhưng không có ai đến tham gia. Những người dân nơi đây đã rất bất ngờ, bàn tán xôn xao khi những lô đất này được đưa ra đấu giá với mức giá "khủng" như vậy. Trung bình mỗi m2 đất có giá khởi điểm khoảng 22 triệu đồng.
Nhiều người dân than thở, với giá đất cao ngất ngưởng như vậy thì tích góp cả đời cũng khó mua được miếng đất ở quê.
Một khía cạnh khác cũng khiến dư luận quan tâm đó là việc đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thì áp theo giá quy định của nhà nước, còn mức giá khởi điểm lúc đưa ra đấu lại theo giá thị trường.
Theo ông Lê Văn Lợi (trú thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ), cuối năm 2021 gia đình bị thu hồi 957m2 đất nông nghiệp và được đền bù, hỗ trợ với tổng số tiền gần 160 triệu đồng: "Thu hồi đất thì giá thấp khoảng 170.000 đồng/m2 nhưng đưa ra đấu cao như vậy dân cũng bất ngờ và cũng tiếc. Đến bây giờ chúng tôi cũng chưa nhận được tiền đền bù".
Bà Nguyễn Thị Thu tiếp lời: "Đất nông thôn mà giá cao ngất ngưởng vậy thì làm sao mà dân mua nổi. Nó quá cao so với giá trị thực tế".
Tại khu vực thôn Hòa Bình có 13 hộ dân bị thu hồi gần 10.000m2 đất nông nghiệp với tổng số tiền đền bù hỗ trợ là gần 1,5 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã: Đúng theo quy định
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cho biết, việc áp giá đền bù, hỗ trợ những hộ dân bị thu hồi đất là theo giá quy định của Nhà nước.
"Xã có trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng. Giá đền bù, hỗ trợ thì theo quy định Nhà nước, còn mức giá khởi điểm là do huyện phê duyệt", ông Nguyễn Hữu Thọ nói và cho biết, mức giá trên là quá cao so với giá trị thực tế.
Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy cũng thừa nhận, hiện khu vực đấu giá chưa được làm hạ tầng và điều này là trái quy trình: "Khu vực này phải làm hệ thống mương thoát nước và đường gom trước khi đưa ra đấu giá, tuy nhiên do xã không có nguồn, nên chờ lúc nào đấu giá xong thì lấy một phần số tiền đó để làm".
Lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch, và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ đều cho rằng, cơ sở để tham mưu UBND huyện phê duyệt giá khởi điểm cao như vậy là do căn cứ vào giá thị trường.
"Sau khi ra thông báo lần 2, lần 3 mà không có ai tham gia đầu thì sẽ tham mưu hạ giá khởi điểm xuống theo quy trình, chứ không có vấn đề gì cả. Cái này có tổ xây dựng giá cụ thể, thành phần bao gồm cả xã nữa", lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ cho biết.
Tuy nhiên, phía lãnh đạo xã Lâm Trung Thủy thì cho rằng đơn vị này đề xuất mức giá khởi điểm chỉ là 1,05 tỷ đồng/lô và họ khá bất ngờ với mức giá sau đó được UBND huyện Đức Thọ phê duyệt.
"Cuối năm 2021, 23 lô đất đấu trước đó gần với khu vực 9 lô đất này có giá trị chuyển nhượng từ 1 - 1,2 tỷ đồng, nên xã đề xuất giá khởi điểm là 1,05 tỷ đồng, nhưng sau đó huyện duyệt thì đưa lên mức giá hơn 3,5 tỷ đồng/lô", ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy nói ,và cho biết giá thị trường tại những khu đất lân cận cũng không cao bằng mức giá khởi điểm này.
Cũng theo vị này, toàn bộ khu đất đấu giá đã được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. So với mức đền bù, giá khởi điểm cao hơn xấp xỉ gần 130 lần, và hiện phía UBND huyện Đức Thọ chưa có chỉ đạo gì liên quan đến sự việc này.
Còn ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, cho biết, việc xây dựng giá khởi điểm và điều chỉnh nếu sau này đấu giá không thành đều làm theo đúng quy định./.