Liên quan đến vụ tai nạn lao động khiến 3 công nhân thương vong (2 người chết, 1 người bị thương) khi va phải mìn câm trong ca sản xuất tại khai trường Công ty than Nam Mẫu, TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) xảy ra lúc 4h sáng ngày 29/9, mới đây, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Đỗ Chí Thanh, Chánh văn phòng Công ty than Nam Mẫu cho biết, hiện vụ tai nạn đã được Công an tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh thu thập tài liệu, điều tra nguyên nhân.
"Các tài liệu gốc liên quan đến vụ việc đã được công ty gửi cho cơ quan điều tra", ông Thanh nói và cho biết đây là vụ tai nạn không ai mong muốn và cả công ty cũng đặt dấu hỏi về việc vì sao lại có mìn câm sau khi thực hiện quy trình nổ mìn?.
Dù vậy, Chánh văn phòng Công ty than Nam Mẫu vẫn khẳng định: "Công ty thực hiện đúng quy trình nổ mìn và hộ chiếu".
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, thời điểm 2 công nhân xấu số va phải mìn câm dẫn đến tử vong là ca sản xuất, tức là sau quy trình nổ mìn (khoan, nổ mìn, an toàn nổ...).
Theo quy định, các mỏ chỉ được phép tiến hành sản xuất khi các loại hộ chiếu khoan, nổ mìn, xúc... được lập, phê duyệt và phải thực hiện theo đúng hộ chiếu được duyệt. Vì vậy, lập hộ chiếu khoan, hộ chiếu nổ mìn được xem là các bước quan trọng nhất của quy trình nổ mìn tại mỏ than.
Hộ chiếu được hiểu là tài liệu cơ sở, hướng dẫn thi công một công việc cụ thể. Trong đó bao gồm cách thức, quy trình tổ chức triển khai, các thông số kỹ thuật, biện pháp an toàn, giải pháp thực hiện, thời gian, địa điểm và khối lượng vật liệu... có kèm theo sơ đồ hoặc bản vẽ kỹ thuật.
Căn cứ vào hộ chiếu, các đơn vị có chức năng khoan sẽ thực hiện thi công bãi nạp nổ mìn.
Một chuyên gia nổ mìn tại mỏ than lớn ở Quảng Ninh cho biết, các bãi nạp nổ mìn được thi công đạt chất lượng sẽ quyết định đến hiệu quả công tác nổ mìn. Khâu này cũng cần đặc biệt chú trọng các quy định về an toàn nổ, từ việc đặt các cảnh báo khu vực nguy hiểm đến hiệu lệnh chỉ huy nổ mìn và giám sát bãi nổ sau khi hoàn tất. Thời điểm này, các hoạt động bóc xúc, vận tải trên khai trường sẽ tạm ngừng. Trong quá trình nổ mìn, đơn vị sẽ phải đảm bảo thực hiện vụ nổ mìn an toàn, hiệu quả trên cơ sở các hộ chiếu nổ mìn được phê duyệt.
"Sau nổ mìn, đơn vị phải tổ chức rà soát lại các vị trí nổ để phát hiện mìn câm để xử lý triệt để, trước khi để công nhân vào ca sản xuất", chuyên gia này nói.
Từ đây, dư luận đặt ra nghi vấn về quy trình nổ mìn, công tác bảo đảm an toàn lao động sản xuất tại Công ty than Nam Mẫu dẫn đến hậu quả 3 công nhân thương vong. Liệu lãnh đạo của Công ty than Nam Mẫu có buông lỏng quản lý, giám sát trong hoạt động khai thác than và ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước vụ tai nạn đau lòng trên?.
Theo Quy định xử lý trách nhiệm trong công tác an toàn vệ sinh lao động, khi xảy ra tai nạn lao động gây chết người, các cơ quan chức năng phải xem xét, đánh giá, xác định lỗi của người quản lý và các bộ phận liên quan. Trên cơ sở đó, các cấp quản lý cán bộ quyết định hình thức xử lý cán bộ phù hợp các quy định của Nhà nước. Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm quản lý, kiểm tra trong đơn vị mình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và chịu trách nhiệm trước Tập đoàn về công tác quản lý ở đơn vị.
Khi để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người hoặc tai nạn lao động mà có nguyên nhân liên quan đến công tác quản lý, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín chính trị của Tập đoàn, đơn vị thì Tập đoàn sẽ xem xét ngay trách nhiệm và năng lực quản lý của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao mà không cần chờ kết luận điều tra. Đồng thời chỉ đạo đơn vị xem xét ngay trách nhiệm và năng lực quản lý của hệ thống cán bộ làm công tác quản lý an toàn lao động trực thuộc đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Hiện Ban giám đốc Công ty than Nam Mẫu - TKV gồm các ông: Nguyễn Văn Yên (Giám đốc), Vũ Việt Hải , Lê Mạnh Thường, Nguyễn Văn Hải, Tạ Đăng Đại, Hoàng Đình Tuyến (Phó giám đốc).