F0 phát hiện trong khu cách ly tập trung tăng cao

Ngày 19/11, Hà Nội ghi nhận 275 F0, trong đó có đến 135 ca được phát hiện tại khu cách ly và chỉ có 36 ca tại khu phong tỏa. Trên thực tế, số ca bệnh được ghi nhận trong khu cách ly của Hà Nội thường xuyên chiếm tỷ lệ cao kể từ khi dịch có dấu hiệu "nóng" trở lại.

Đáng chú ý, trong 5 ngày Hà Nội ghi nhận trên 200 F0 (9/11, 15/11, 17/11, 18/11, 19/11), số F0 ghi nhận ở khu cách ly luôn trên dưới 100 ca.

hanoicachly-1637390314091-1637396786.jpg
F0 phát hiện trong khu cách ly tập trung tại Hà Nội tăng cao (Ảnh minh họa).

Đại đa số các trường hợp đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố hiện nay là các F1. 

Tại cuộc họp ngày 19/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đưa ra một con số đáng chú ý: "Tỷ lệ F1 trong giai đoạn hiện nay trở thành F0 lên tới 13%. Trước đó, tỷ lệ này trung bình chỉ 7-8%".

Nhiều chuyên gia dịch tễ đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, đặc biệt trong bối cảnh số ca bệnh kéo theo các F1 phải cách ly tập trung tại Thủ đô không ngừng gia tăng.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, có nhiều giả thuyết cho việc tỷ lệ F1 chuyển thành F0 tại Hà Nội tăng gần gấp đôi so với trước. Một trong số đó là nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.

Theo ông, cần phải có những nghiên cứu khoa học để có thể đưa ra kết luận chính xác về vấn đề này. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng việc quản lý trong khu cách ly tập trung ở giai đoạn hiện tại không được tốt như trước đây.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh về khả năng lây nhiễm khi không tuân thủ nguyên tắc 5K.

"Theo nguyên tắc, khi F1 đứng nói chuyện với F0 dưới 2m và không đeo khẩu trang/đeo khẩu trang không đúng cách trong khoảng thời gian ít nhất 15 phút thì có thể bị lây nhiễm", PGS Nga cho hay.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam nhận định, với chiến lược là không thể "zero F0", chấp nhận có ca mắc cộng đồng và khi có nhiều F0 thì sẽ nhiều F1. Nếu cách ly tập trung nhiều sẽ dẫn đến quá tải, cơ sở vật chất không đủ dẫn đến hệ lụy là lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Đồng thời, việc cách ly nhiều người cùng một phòng, dùng chung nhà vệ sinh thì khả năng lây nhiễm chéo cao.

Trên thực tế, nhiều trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung đã được ghi nhận ở các địa phương trên cả nước. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này được xác định là do việc quản lý, duy trì các quy định của khu cách ly tập trung chưa nghiêm; tại các khu cách ly tập trung vẫn còn xuất hiện tình trạng công dân còn tụ tập, không đeo khẩu trang…

Cách ly F1 tại nhà: Nên làm sớm, không cần triển khai từng bước

Nói về sự cần thiết của việc Hà Nội cần triển khai cách ly các F1 đủ điều kiện tại nhà, TS.BS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam đã dẫn chứng bài học của TPHCM.

Cụ thể, theo chuyên gia này, kịch bản xảy ra ở Hà Nội những ngày này giống hệt TPHCM cách đây 6 tháng. Khi đó, TPHCM mỗi ngày có 200-300 ca bệnh và vài nghìn F1.

25777483931178668051457438083590868902608818n1637074078323-1637118629721-1637396852.jpeg
Nhiều khu vực tại Hà Nội đã triển khai cách ly tại nhà với các F1 thuộc 4 nhóm ưu tiên (Ảnh minh họa: Trần Thanh).

Cách xử lý của TPHCM khi đó là truy vết, đưa F0 đi điều trị và cách ly toàn bộ F1. Nhưng rất nhanh sau đó, không còn trường học, nhà văn hóa nào đủ chỗ để cách ly F1 nữa vì trung bình mỗi F0 sẽ kéo theo 20 ca F1.  Các khu thu dung (dành cho các bệnh nhân nhẹ không triệu chứng chật nêm người). Hiện tượng lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng đã được lãnh đạo TPHCM và Bộ Y tế thừa nhận.

"Những gì đã xảy ra ở miền Nam cho thấy F0, F1 vẫn có thể tử vong hoặc chịu các hậu quả về sức khỏe, không phải vì Covid-19, mà có thể do các bệnh khác nhưng không được cấp cứu kịp thời. Đấy là chưa kể, việc lãng phí nguồn lực trong việc cách ly tập trung F1 và điều trị F0 triệu chứng nhẹ trong khi họ đã tiêm vaccine là lãng phí nguồn nhân lực, tài lực một cách không cần thiết", TS.BS Thu Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, Hà Nội nên áp dụng cách ly tại nhà đối với tất các đối tượng thuộc diện F1 đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

"Bởi lẽ, trước Hà Nội đã có nhiều tỉnh, thành áp dụng cách ly F0, F1 tại nhà thành công. Hơn nữa, Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm trong cách ly F2 tại nhà. Vì vậy, nên triển khai cách ly F1 tại nhà sớm, không cần triển khai từng bước"- ông Phu nói.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội bày tỏ lo ngại về tình trạng "Sợ cách ly tập trung" có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch tại Thủ đô.

"Chính tâm lý ngại cách ly tập trung sẽ khiến một bộ phận người dân hạn chế khai báo dù có yếu tố dịch tễ. Việc này vô tình khiến dịch dễ âm thầm lan ra cộng đồng", PGS Hùng phân tích.

Ngày 16/11 vừa qua, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang thay đổi hằng ngày và rất phức tạp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các địa phương phải triển khai, diễn tập thí điểm cách ly F1 tại nhà; thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn.

Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao UBND thành phố sớm ban hành quy định về điều kiện cách ly y tế F1 (đủ điều kiện) tại nhà, giao chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp y tế cơ sở kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện, tổ chức cách ly theo hướng dẫn. Công tác triển khai phải chú trọng những tiêu chí hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký, ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó yêu cầu thí điểm cách ly F1 tại nhà./.