Sống trong sợ hãi
Những ngày đầu tháng 5, theo chân người dân địa phương, chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa ở xã Châu Hồng (Quỳ Hợp). Tại đây, những tấm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân tới gần được cắm chi chít. Có những mảnh ruộng, thậm chí phải rào kín xung quanh để đề phòng trẻ nhỏ gặp tai nạn. Những “hố tử thần” này có đủ loại lớn nhỏ, trung bình sâu khoảng 2 đến 3m. “Ruộng nhà tôi đó. Ruộng mình nhưng mình cũng chẳng dám đến gần, huống gì canh tác”, ông Vi Văn Hạnh (52 tuổi, bản Na Hiêng), chỉ tay vào thửa ruộng đã bị bỏ hoang vì sụt lún nói.
Không chỉ sụt lún ở những cánh đồng, người dân Châu Hồng đang phải sống trong sợ hãi kèm khổ sở vì hàng trăm giếng nước bỗng cạn trơ đáy và nhà cửa bị nứt nẻ. Tình trạng này đã được Báo Nghệ An có bài phản ánh từ một năm trước, tuy nhiên vài tháng trở lại đây, vụ việc trở nên đáng báo động. Trong khi đó, dù hàng loạt đoàn kiểm tra đã vào cuộc, nhưng đến nay vẫn chưa lý giải được nguyên nhân để đưa ra các giải pháp lâu dài.
Theo ông Trương Văn Hóa – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, từ tháng 1/2020, trên địa bàn các bản như bản Công, bản Na Hiêng đã xảy ra tình trạng cạn giếng nước, sụt lún ruộng, ven khe, suối. Trước những hiện tượng bất thường như vậy, UBND xã đã kiểm tra hiện trạng sụt lún và đã báo cáo kịp thời lên UBND huyện và phòng ban liên quan để kiểm tra tìm nguyên nhân. Đến đầu tháng 2/2022, tình trạng sụt lún không chỉ xảy ra ở ruộng lúa nước, ven bờ khe, suối mà nghiêm trọng hơn là rạn nứt tường nhà ở, nứt nền nhà, lún móng nhà. Đặc biệt là trên địa bàn bản Công, bản Poong, bản Na Hiêng và bản Na Noong.
Theo báo cáo của xã Châu Hồng, có tới hàng trăm hộ dân nằm trong tình trạng nguy hiểm. Đến nay có 279 giếng nước sinh hoạt ở xã Châu Hồng đã bị khô cạn nước. Đặc biệt, kể từ cuối tháng 2 đến nay 114 nhà rạn nứt, bao gồm: nứt tường, nứt nền nhà, lún móng nhà, đất vườn. Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.
Gần 3 năm trước, gia đình bà Sầm Thị Nga (53 tuổi), bỏ số tiền lớn xây dựng một căn nhà khá khang trang giữa bản Na Hiêng. Tuy nhiên, niềm vui vào nhà mới chưa được bao lâu thì các vết nứt bí ẩn bắt đầu xuất hiện, khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Bà Nga kể rằng, cũng như nhiều nhà khác, vết nứt tại nhà bà xuất hiện vài tháng trước. Ban đầu các vết nứt này khá nhỏ, nhưng lớn dần theo thời gian. Hiện nay, vết nứt đã rộng hơn 3cm, chạy dọc nền nhà. Các vết nứt khiến cho lớp gạch bong tróc, vỡ vụn. “Mấy tháng nay, gia đình mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Ban đầu cứ tưởng do xây dựng, nhưng sau đó thấy trong bản nhiều nhà cũng bị như thế này, nên chắc chắn không phải lỗi do thợ xây”, bà Nga nói.
Không chỉ nhà dân, Trường Mầm non xã Châu Hồng cũng gặp cảnh tương tự. Chỉ tay vào vết nứt rộng gần một gang tay, chạy dọc bức tường của trường học, Hiệu trưởng Trần Thị Hòa cho biết, khoảng 1 tháng trước, khi cô và trò đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng nứt nẻ phát ra từ bức tường. Ai nấy đều hốt hoảng. Nền gạch sau đó cũng bị bong tróc. Kể từ đó tới nay, vết nứt ngày càng lớn, khiến giáo viên và phụ huynh đều lo lắng.
Về việc hàng trăm giếng nước bị cạn trơ đáy, để ứng phó, người dân xã Châu Hồng đã phải bỏ số tiền lớn, mua đường ống kéo nước suối từ trên núi về để sử dụng.
Đi tìm nguyên nhân
Theo người dân địa phương, nguyên nhân của tình trạng này là do các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, để khai thác được quặng, những công ty này dùng máy công suất lớn để hút nước từ dưới lòng đất, dẫn đến nguồn nước ngầm dần bị cạn kiệt.
Đồng quan điểm, lãnh đạo xã Châu Hồng cũng nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà dân và giếng cạn nước là do khai thác khoáng sản. “Người dân ở đây sinh sống lâu đời chưa bao giờ xảy ra tình trạng này, khi chưa có hoạt động khai thác khoáng sản”, Chủ tịch UBND xã Trương Văn Hóa nói.
Xã Châu Hồng được xem như “thủ phủ khoáng sản” của huyện Quỳ Hợp, với hàng loạt mỏ quặng rầm rộ khai thác khoảng 20 năm nay. Theo ông Hóa, trên địa bàn xã hiện nay có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá.
“Đặc biệt, có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò. Gần đây nhất, khi quy mô khai thác có sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại hơn, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất thì xuất hiện những bất thường xảy ra như vậy. Điều người dân quan tâm và băn khoăn nhất là các sự việc diễn ra trước đây chưa bao giờ xảy ra. Nhưng từ cuối năm 2019 trở lại đây đã xảy ra những hiện tượng khác thường trên, nhân dân trên địa bàn băn khoăn, lo lắng. Vì vậy UBND xã đề nghị UBND huyện, các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm rõ nguyên nhân các hiện tượng trên để nhân dân yên tâm sản xuất và sinh sống”, ông Hóa nêu trong văn bản mới nhất gửi UBND huyện.
Từ năm 2021 đến nay, UBND xã Châu Hồng đã có đến 14 báo cáo gửi UBND huyện về việc sụt lún, nứt tường, nền nhà để có chỉ đạo, bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên. Trung bình, cứ khoảng 1 tháng, xã này lại có một báo cáo do có những diễn biến nghiêm trọng hơn. Để ứng phó, xã cũng đã phải phân công cán bộ theo dõi, nắm bắt địa bàn để kịp thời báo cáo những diễn biến mới phát sinh, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.
Trong các văn bản báo cáo, xã Châu Hồng đề nghị UBND huyện, UBND tỉnh, sở, ngành chuyên môn sớm kiểm tra, kết luận làm rõ nguyên nhân xảy ra sụt lún, nứt nhà dân để trấn an tư tưởng của nhân dân; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và khắc phục sự cố để nhân dân an tâm trong cuộc sống. Hỗ trợ địa phương xây dựng nguồn nước sinh hoạt vì hiện nay nhân dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đồng thời, có kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình có nhà cửa bị nứt, sụt lún nặng.
Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, lãnh đạo huyện cũng đang rất quan tâm đến tình trạng này. Theo ông Lợi, từ gần 2 năm nay, đã có rất nhiều đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tận xã Châu Hồng kiểm tra. Tuy nhiên, sau đó các đoàn đều không thể đưa ra kết luận nguyên nhân.
“Họ chỉ đưa ra nhận định do mạch nước ngầm bị cạn kiệt chứ chưa thể khẳng định có phải do hoạt động khai thác khoáng sản hay không. Trong khi, để có giải pháp thì trước tiên phải tìm ra nguyên nhân đã. Vì thế, địa phương đang phải ký hợp đồng thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ lên điều tra, xác định nguyên nhân”, ông Lợi nói và cho biết, về giải pháp tạm thời, huyện đã có văn bản trình UBND tỉnh và hiện nay đã được đồng ý về chủ trương đầu tư 5 tỷ đồng để làm dự án cung cấp nước cho bà con./.