m-1645260612.jpg

Sau tết Nguyên đán, bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 tăng nhanh.

Sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, số lượng bệnh nhân COVID-19 được chuyển đến Bệnh viện Phổi tăng nhanh. Mặc dù đã lường trước tình hình nhưng các y, bác sỹ ở đây vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Khác với các đợt dịch trước, đợt dịch này bệnh nhân rất đông, nhiều bệnh nhân nặng. Trước tết, lượng bệnh nhân duy trì khoảng 40 người thì sau tết đã tăng lên 160 người. Vì vậy, 90 cán bộ, y bác sỹ, nhân viên của bệnh viện được huy động trực thường xuyên ở tất cả các bộ phận để đảm bảo công tác tiếp nhận, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết: “Hầu hết bệnh nhân nhập viện đợt này đều có triệu chứng, trong đó khoảng 20% đang mang thai và bệnh nhân nặng, tập trung ở những người già, có bệnh nền, chưa được tiêm văc-xin. Một số diễn biến xấu, phải thở oxy, dùng thuốc kháng viêm, chống đông hoặc phải chuyển tuyến”.

Vào vòng trong đã hơn một tháng nay, theo quy định của kíp trực, lẽ ra bác sỹ Đặng Huề - Trưởng khoa Cận lâm sàng đã được ra vòng ngoài nhưng anh vẫn xung phong ở lại thêm một thời gian.

mm-1645260805.jpg

Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sỹ Huề cho biết: “Với chuyên môn các bệnh về phổi, điều trị COVID-19 không phải là vấn đề quá khó với chúng tôi, tuy nhiên, đợt dịch này bệnh nhân quá đông, nhân lực ít nên anh em vất vả hơn nhiều. Hơn nữa, một số máy móc cần thiết như máy xét nghiệm đông máu, máy chụp CT... không có, đã phần nào ảnh hưởng đến công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân”.

Bệnh nhân có triệu chứng, bệnh nhân nặng lại không có người nhà chăm sóc nên gánh nặng gần như đổ dồn lên vai các y bác sỹ, điều dưỡng của các kíp trực. Họ không được phép lơ là, bỏ qua bất cứ biểu hiện, thay đổi bất thường nào của bệnh nhân dù là nhỏ nhất, bởi có những người diễn biến rất nhanh.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các y bác sỹ, điều dưỡng còn phải kiêm rất nhiều công việc như chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, động viên tinh thần để họ yên tâm điều trị.

Bác sỹ Trần Tuấn Hiệp - Khoa Nội II chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân là người già bị tai biến, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con - không chỉ sức khỏe yếu, họ còn là đối tượng rất dễ bị tổn thương về tâm lý, lại không có người nhà bên cạnh nên chúng tôi phải luôn coi họ như người thân của mình, chăm sóc, động viên họ bằng tất cả tình thương, trách nhiệm để giúp họ chiến thắng bệnh tật”.

mmm-1645260903.jpg

Bác sỹ Đặng Huề (bên trái) đã hơn 1 tháng nay trực chiến tại vòng trong.

Nhiều bệnh nhân khi được ra viện đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các y, bác sỹ. Không giấu nổi niềm vui được xuất viện sau gần một tháng hai mẹ con bị mắc COVID-19, chị N.T.H (TP Hà Tĩnh) xúc động chia sẻ: “Những ngày mới mang con vào viện, tôi rất hoang mang, lo sợ, nhưng các y, bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý đã ân cần chăm sóc, động viên tinh thần và chúng tôi đã chiến thắng. Tôi thật sự biết ơn và cảm phục sự hy sinh của họ”.

Số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc đè nặng, các y bác sỹ đã quen với những đêm mất ngủ triền miên, những bữa ăn vội vàng. Rất nhiều đêm, khi tất cả bệnh nhân đã đi ngủ, các y bác sỹ mới bắt đầu bữa cơm tối.

Khó khăn, vất vả nào cũng có thể vượt qua nhưng với những chị em phụ nữ, có lẽ nỗi nhớ con là day dứt nhất. Từ ngày Bệnh viện Phổi được Hà Tĩnh chuyển thành bệnh viện điều trị COVID-19 (18/6/2021) đến nay, điều dưỡng Lê Thị Ái - Khoa Hồi sức cấp cứu đã tham gia rất nhiều kíp trực ở khu điều trị. Mỗi kíp trực như vậy, chị Ái phải xa gia đình một tháng. Chồng cũng đi làm xa, hai đứa con của chị (một bé học lớp 4, một bé học lớp 1) phải gửi cho người thân chăm sóc.

Chị Ái chia sẻ: “Đã quen với việc bố mẹ đi vắng dài ngày nên các con rất tự lập, nhưng cũng vì thế mà thấy thương con nhiều hơn. Có hôm đang làm việc, bệnh nhân hỏi thăm tôi “mẹ đi như thế này, con ở nhà ai chăm sóc”, tôi đã bật khóc”.

mmmm-1645261006.jpg

Bệnh nhân là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai đông, lại không có người nhà chăm sóc khiến các y bác sỹ, điều dưỡng vô cùng vất vả.

Nỗi niềm tâm tư là vậy nhưng chị Ái và các đồng nghiệp vẫn luôn sẵn sàng xung phong tham gia các kíp trực ở vòng trong mỗi khi cần. Và càng đối mặt với khó khăn, thử thách, họ càng đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. “Trước mặt là bệnh nhân, bên cạnh là đồng nghiệp, sau lưng là gia đình - chúng tôi không đơn độc trong cuộc chiến này” - chị Ái chia sẻ.

Không chỉ hết lòng với bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, để chia sẻ gánh nặng cho các cơ sở y tế, hỗ trợ công tác điều trị tại nhà, nhiều bác sỹ của Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã tham gia nhóm “Thầy thuốc Hà Tĩnh đồng hành cùng F0” cùng các đồng nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong hai ngày vận hành, nhóm đã tiếp nhận, hỗ trợ gần 700 cuộc gọi từ người dân, góp phần tư vấn, chăm sóc, điều trị kịp thời cho các F0.

Những hy sinh thầm lặng của tập thể các y bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến này thật khó đong đếm. “Đón sinh nhật đặc biệt trong khu điều trị F0, tôi chỉ ước duy nhất một điều là hết dịch để ai cũng được trở lại cuộc sống bình thường” - lời chia sẻ của một điều dưỡng Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cũng là mong ước chung của nhiều người. Mong rằng, mỗi người dân luôn nâng cao ý thức phòng dịch cho bản thân, cộng đồng để góp phần cùng cán bộ y tế kiểm soát dịch hiệu quả./.