Dự kiến 1.000 bệnh nhân xuất viện mỗi ngày
Tại TP.HCM hiện có hơn 35.000 bệnh nhân đang điều trị. Với số ca bệnh tiếp tục gia tăng, công tác điều trị đang được tập trung từ các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng, cho đến các bệnh viện tầng 2 và 3 trong “mô hình điều trị tháp 3 tầng”, nơi tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân nặn, nguy kịch.
Theo chia sẻ từ BSCKII Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, công tác điều trị tại TP.HCM có nhiều tiến triển tích cực, dự kiến số bệnh nhân xuất viện thời gian tới sẽ khoảng 1.000 người/ngày. Ngành y tế thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 59.000 giường để đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị.
Khi số trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng, theo một tỷ lệ thuận nhất định, số lượng bệnh nhân có triệu chứng, bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng gia tăng theo, tạo nên gánh nặng không hề nhỏ trên đôi vai của những nhân viên y tế tham gia khối điều trị.
Để đảm bảo nhân sự phục vụ cho công tác điều trị tại TP.HCM, ngành Y tế TP đã huy động tổng lực nguồn nhân lực từ nhiều đơn vị, bệnh viện; song song đó là nguồn nhân lực được hỗ trợ từ các bệnh viện trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn thành phố. Đồng thời còn có lực lượng hỗ trợ từ nhiều đơn vị, bệnh viện thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, nhiều trường hợp nhân viên bệnh viện sẵn sàng xung phong vào tuyến đầu, khu vực cách ly phong tỏa để đồng hành cùng bệnh nhân, tham gia công tác chăm sóc, điều trị cũng như động viên tinh thần cho người bệnh và thân nhân của họ.
Làm việc gấp 3 lần, thậm chí hơn
Theo cách tính thông thường từ các chuyên gia quản trị bệnh viện, với mỗi 1.000 giường bệnh cần tương đương khoảng 2.000 nhân sự, thì với con số hơn 35.000 bệnh nhân đang được điều trị hiện nay sẽ cần một con số nhân lực khổng lồ có thể lên đến 70.000 người.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM với quy mô 1.000 giường cho biết: “Trung bình mỗi bệnh nhân cần 2 nhân lực y tế thì đối với trường hợp các bệnh nhân nặng, nguy kịch, tỷ lệ này sẽ gia tăng lên gấp 3. Trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch thì gánh nặng này càng lớn bởi yêu cầu túc trực chăm sóc, sẵn sàng cho những trường hợp diễn tiến bất thường cũng như nguy cơ lây nhiễm. Các nhân viên y tế không chỉ làm việc gấp đôi, gấp ba mà có lẽ còn nhiều hơn thế nữa”.
Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, nguồn nhân lực tại bệnh viện được phân chia thành nhiều ca, kíp với sự “trộn lẫn” của các y bác sĩ từ các bệnh viện, các địa phương với nhiều chuyên khoa khác nhau. Điều đó vừa tạo sự đa dạng trong chuyên môn của từng đội, đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 khi các đội đều có sự tham gia, phụ trách bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức; qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
“Việc trộn nhân lực trong mỗi đội còn tạo điều kiện cho các cá nhân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm trong điều trị từ các bệnh viện, vùng miền khác nhau giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm điều trị của cả ê-kíp và tạo nên sự gắn kết, đoàn kết của cả một tập thể”, TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết./.