Bị cáo Thủy đã lợi dụng quyền tự do dân chủ để phát tán các tài liệu có nội dung xâm phạm đến uy tín, danh dự của một số đồng chí lãnh đạo Đảng.

Ngày 21/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Thủy (SN 1977, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo cáo trạng, Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng được Sở Tư pháp TP Hà Nội cấp phép hoạt động từ tháng 4/2012, có trụ sở tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tại thời điểm đó, Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng chỉ có duy nhất Nguyễn Thị Thủy là luật sư hành nghề, đồng thời là Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng.

Xúc phạm đến uy tín của lãnh đạo Đảng, nữ cựu luật sư lĩnh án 20 tháng tù
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy tại phiên tòa xét xử sáng 21/7

Ngày 1/10/2012, Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng có thông báo về việc tạm ngừng hoạt động 2 năm kể từ ngày 1/12/2012.

Ngày 12/2/2015, Sở Tư pháp TP Hà Nội ra quyết định thu hồi giấy đăng ký hoạt động đối với Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng với lý do: Văn phòng đã không hoạt động trở lại từ ngày 1/12/2014 (là ngày hết hạn tạm ngừng hoạt động theo quy định pháp luật).

Hiện, Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng đã bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

Đến năm 2017, Nguyễn Thị Thủy với tư cách luật sư, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng đã tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Quang Ngữ (SN 1952, quê tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” mà bị cáo Ngữ bị khởi tố, bắt giữ từ năm 1990.

Quá trình bảo vệ quyền lợi cho Trần Quang Ngữ, Thủy cho rằng ông Ngữ bị oan, việc cơ quan chức năng bắt giữ Trần Quang Ngữ là bắt giữ người trái pháp luật.

Lợi dụng danh nghĩa người bảo vệ quyền lợi cho Trần Quang Ngữ, Nguyễn Thị Thủy đã viết 2 bản kiến nghị, đóng dấu chức danh luật sư Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng.

Hai bản kiến nghị có nội dung xâm phạm đến uy tín, danh dự của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sau đó, Thủy đã gửi đến nhiều địa chỉ các bộ, ngành… với mục đích để họ có ý kiến, tạo áp lực thực hiện theo yêu cầu kiến nghị của Thủy.

Theo HĐXX kết luận, bị cáo Nguyễn Thị Thủy đã có hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, soạn thảo, phát tán các tài liệu có nội dung xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Nhà nước.

Các văn bản này Thủy gửi đến nhiều địa chỉ các bộ, ngành… làm ảnh hưởng, thiệt hại đến uy tín của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và gây mất trật tự an ninh, xã hội và hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Trong quá trình điều tra, ngày 16/7/2020, Viện Pháp y tâm thần Trung ương đã có kết luận: Trước đó, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, Nguyễn Thị Thủy mắc bệnh rối loạn hưng cảm thực tổn mức độ vừa.

Tại thời điểm trên, Thủy bị hạn chế khả năng về nhận thức cũng như điều khiển hành vi. Đây được coi là tình tiết giảm nhẹ đã được HĐXX cân nhắc và ra quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Thủy.

Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án và các tình tiết liên quan, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thuỷ mức án 20 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.