Nếu người bình thường lo một thì với sản phụ mắc Covid-19 thậm chí còn hoảng loạn bởi quá lo lắng cho thai nhi.

Chính mạng lưới y, bác sĩ thiện nguyện khám online đã hỗ trợ không nhỏ vào việc điều trị sớm, mang đến cho các bệnh nhân Covid-19 thêm cơ hội phục hồi, tránh nguy cơ tử vong trong những ngày dịch bệnh hoành hành…

Xúc động chuyện bác sĩ online cứu F0 điều trị tại nhà
Đội oxy cấp cứu mang bình oxy đến cho F0 khi đã đêm muộn

Thoát cửa tử, không biết lấy gì đền ơn bác sĩ

Cả nhà Phương Thi (Q.8, TP.HCM) đều lần lượt mắc Covid-19, đúng thời điểm cả hệ thống y tế đều quá tải. “Đầu tháng 8, ba là người bị nhiễm đầu tiên trong nhà.

Ban đầu, khi ba xuất hiện các triệu chứng ho, sốt nhẹ, cả nhà cũng chỉ nghĩ ba cảm sốt xoàng, bởi trong suốt mấy tuần qua cả nhà đều rất giữ gìn, gần như chỉ ở trong nhà.

Nhưng cơn sốt cứ tăng dần, khiến em lo ngại liệu ba nhiễm Covid-19. Kết quả 2 vạch dương tính với virus khiến mọi người lo lắng. Ba dương tính đồng nghĩa cả nhà 4 người chắc không ai thoát cả”, cô kể.

Đúng như dự đoán, ngoài ba, thì mẹ, Thi và cậu em trai đều dương tính với Covid-19. May mắn, Phương Thi và em trai thể trạng tốt, chỉ sốt 3 ngày, mất khứu giác và tiêu chảy nhưng nhanh chóng phục hồi.

Riêng mẹ của Thi ngày một chuyển nặng, sốt cao, đổ mồ hôi, đặc biệt ho nhiều không kiểm soát và xuất hiện tình trạng khó thở, ngáp cá.

“Gọi điện khắp các bệnh viện đều quá tải. Khi em gần như cùng quẫn, đã lên tiếng cầu cứu trên Facebook.

Rất nhanh sau đó, em được kết nối đến Fanpage Nhóm Bác sĩ hỗ trợ tư vấn F0-F1 đang cách ly tại nhà.

Thật may mắn, gia đình em nhận được tư vấn qua video call từ BS. Lê Vũ và được biết tình trạng của mẹ cần được đưa đi cấp cứu vì thiếu oxy.

Nhưng đến viện lúc đó là điều không thể. BS. Vũ đã kê toa thuốc và kết nối nhóm BS. Hiển hỗ trợ thêm bình oxy.

Đêm đó, nhờ có bình oxy kịp thời mà tình trạng khó thở được cải thiện rõ rệt, mẹ em ngủ yên giấc”, Phương Thi nhớ lại.

Chúng tôi luôn cố gắng hết sức có thể để hỗ trợ bệnh nhân. Bởi, điều ám ảnh nhất với nhân viên y tế là phải chứng kiến nỗi mất mát của người bệnh mà không thể giúp gì được. BS. Nguyễn Hữu Trung (Phòng khám sản Hoàng Gia)

Những ngày sau đó, Phương Thi liên tục trao đổi, cập nhật thông tin và nhận sự hướng dẫn chăm sóc, duy trì đều đặn đơn thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ.

Sau 10 ngày, nhờ vào các bình oxy được nhóm thiện nguyện hỗ trợ tận nơi, mẹ Thi đã chính thức bỏ thở oxy và phục hồi tốt.

“Em thật sự biết ơn các anh chị đã hỗ trợ kịp thời giữa lúc gia đình khốn khó nhất”, Thi bộc bạch.

Còn với gia đình chị Như Trang, niềm vui vô bờ là khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính sau 14 ngày cả gia đình mắc Covid-19.

“Tôi mắc đầu tiên, 4 ngày sau đến lượt chồng và con.

Mặc dù chuẩn bị tinh thần rất kĩ nhưng khi biết chồng con lây nhiễm từ mình khiến tôi suy sụp tinh thần.

Khóc hoảng loạn, nguyên 1 ngày nằm bẹp luôn, cảm xúc lúc đó không thể tả được bằng lời…

Rồi qua bạn bè, người thân, tôi biết đến nhóm các bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà nên kết nối và ngay sau đó nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình từ BS. Thọ.

Rất may mắn, chỉ mới dùng thuốc các bác sĩ kê đến liều thứ 2, cả nhà đã cắt sốt”, chị Trang chia sẻ.

Riêng chồng Trang diễn biến nặng hơn, cơ thể yếu nên qua trao đổi, thăm khám được bác sĩ hướng dẫn thêm cách chăm sóc, đơn thuốc cũng được điều chỉnh.

“Hôm nay là ngày thứ 10, chồng tôi đã hết sốt, hơi húng hắng ho có đờm và người còn hơi mệt, nhưng test âm tính rồi.

Cả gia đình thật sự biết ơn BS. Thọ, không biết lấy gì đền đáp”, chị Trang vui mừng chia sẻ.

“Cứ cố hết sức khi mình có thể…”

Xúc động chuyện bác sĩ online cứu F0 điều trị tại nhà
Thành viên Đội oxy cấp cứu mang bình oxy đến nhà F0

Là một bác sĩ chuyên khoa sản, tham gia vào Nhóm bác sĩ tư vấn cho F0-F1 điều trị tại nhà ở TP.HCM, hiện BS. Nguyễn Hữu Trung (Phòng khám sản Hoàng Gia) đang quản lý theo dõi khoảng 100 sản phụ mắc Covid-19.

“Nếu người bình thường lo một thì với sản phụ mắc Covid-19 thậm chí còn hoảng loạn bởi quá lo lắng cho thai nhi.

Ngày nào tôi cũng nhận được hàng trăm thắc mắc, đề nghị tư vấn từ các thai phụ. Và điều đầu tiên luôn làm là trấn an để thai phụ yên tâm dưỡng bệnh, tránh tâm lý lo lắng thái quá.

Tiếp đến là phân loại để có chỉ dẫn điều trị thích hợp, đồng thời, sẵn sàng kết nối cơ sở y tế để hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu bất thường trở nặng, dù thời điểm này rất khó khăn vì nơi nào cũng quá tải điều trị”, BS. Trung chia sẻ.

Còn với anh Nguyễn Phương Hiền (SN 1989, trú tại TP.HCM) - một thành viên cốt cán của nhóm thiện nguyện Đội oxy cấp cứu, gần 1 tháng nay, cùng với 10 đồng nghiệp, anh triền miên với các cuốc xe miễn phí vận chuyển bình oxy đến cho khoảng 800 F0 trở nặng đang điều trị tại nhà.

“Mấy anh em cùng chạy Grab, vì dịch dã nên các xe đều dừng hoạt động. Qua kết nối, chúng tôi tình nguyện tham gia vận chuyển miễn phí bất kể ngày hay đêm bằng chính phương tiện của mình.

Các mạnh thường quân lập trạm cung cấp bình oxy kết nối cùng nhóm các bác sĩ tư vấn hỗ trợ cho F0-F1 điều trị tại nhà.

Sau khi bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bệnh, cần thiết sử dụng oxy, thông tin lập tức chuyển tới chúng tôi và sẵn sàng lên đường”, anh Hiền cho hay.

Thay phiên nhau nghỉ ngơi để trực 24/24h nhưng hầu như ngày nào anh Hiền cùng một số anh em cũng bắt đầu công việc sau bữa sáng muộn và thường kéo dài đến 2h sáng, thậm chí có ngày làm tới luôn 4h sáng.

Và với nhóm, việc bỏ bữa vì nhu cầu cần bình oxy của F0 rất lớn không phải hiếm.

“Cứu người như cứu hỏa, vì bữa cơm mình ăn mà chậm thời gian cứu một mạng thì bữa ăn có đáng không”, anh Hiền tâm sự.

Trong 1 tháng qua, các điểm đến của bình oxy phủ kín khắp 24 quận, huyện tại TP.HCM.

“Nơi nào bệnh nhân cần là chúng tôi đi, không kể nắng mưa, sáng tối.

Có những gia đình nhà ở sâu trong hẻm, ôtô không thể vào được, anh em phải đi bộ kéo bình vào tận nhà, thậm chí vác vai lên tận lầu 2, lầu 3 với những bình oxy nặng tới 70 - 80kg giúp bệnh nhân lớn tuổi.

Với nguồn lực y tế hạn chế bởi sự quá tải F0, chúng tôi chỉ mong muốn mang đến cơ hội duy trì sự sống, giúp F0 có thể chờ đợi được can thiệp y tế, giảm thiểu nguy cơ tử vong. Cứ thế mà gắng sức thôi”, anh Hiền cho hay.

Mặc dù cả đội đã được tiêm 1 mũi vaccine Covid-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao khi hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với nhiều F0.

Anh Hiền chia sẻ: “Lo lắng nhưng anh em cố gắng bảo hộ kỹ càng nhất có thể và 3 ngày test nhanh Covid-19/lần. Điều đáng mừng, sau 1 tháng hoạt động anh em đều chưa gặp sự cố gì”.