Liên quan vụ việc cô gái khoe thẻ đỏ quyền lực từ bố, được tự do đi lại trong giãn cách xã hội ở Hà Nội, sáng 8/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, dù chuyện "dùng thẻ đỏ quyền lực" là thật hay giả, thì cô gái này cũng vẫn bị xử lý.
Phạt tới 15 triệu đồng nếu đăng tin sai sự thật
"Trường hợp như cô gái giải thích đó là sự việc diễn ra lâu rồi, chỉ là đùa vui, thì rõ ràng cô gái đã thông tin lên mạng sai sự thật. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt lên tới 15 triệu đồng", luật sư Cường cho biết.
Trường hợp hành vi đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội thì hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Điều tra, xử lý cả những người liên quan nếu có chuyện dùng "thẻ đỏ quyền lực"
Theo luật sư Cường, còn nếu đúng như lời cô gái khoe trên mạng: "dùng thẻ đỏ quyền lực của bố để đi vòng quanh Hà Nội" thì lực lượng chức năng cần sớm vào cuộc xử lý cô gái này vì vi phạm phòng chống dịch, cũng như cần phải điều tra vì sao cô gái có được tấm thẻ cán bộ này.
"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân, lai lịch của TikToker này, làm rõ thẻ đỏ trên là thẻ gì, cấp cho ai để có căn cứ xử lý vụ việc phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Cường nêu quan điểm.
Luật sư Cường cho rằng, nếu có việc thông đồng dùng thẻ ngành, thẻ cán bộ để thông chốt kiểm dịch Covid-19 thì đây là hành vi có biểu hiện "tham nhũng quyền lực", "trục lợi từ cương vị công tác".
“Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội bởi làm mất niềm tin của người dân đối với chính quyền, cho thấy dấu hiệu đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm và có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật”, luật sư Cường nói và cho biết, nếu thuộc trường hợp này thì các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh tất cả những người có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có căn cứ xác định người có tên trong thẻ này cho cô gái trẻ này mượn để được đi qua các chốt kiểm dịch Covid-19 trong khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải xử lý thật nghiêm và xem xét lại trình độ, năng lực, đạo đức và nhận thức của vị cán bộ này bởi đây là một chuyện hết sức hài hước và có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Trường hợp cô gái này tự ý lấy thẻ cán bộ của người thân để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người có thẻ vẫn phải giải trình trước cơ quan về việc sử dụng, quản lý thẻ cán bộ của mình để người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, vẫn phải xem xét xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau theo quy định về kỷ luật đảng, kỷ luật viên chức, công chức.
Vừa qua, cư dân mạng xôn xao với clip một cô gái trẻ có tài khoản tên P.N.T. đăng trên nền tảng Tik Tok với nội dung có thể đi lại tự do trong thời gian giãn cách xã hội nhờ vào tấm thẻ đỏ ngành của bố.
"Tại sao tôi vẫn đi vòng quanh Hà Nội được dù có chốt á? Đoán xem", kèm theo đó chính chủ khoe chiếc thẻ màu đỏ thay cho đáp án.
Đoạn video của cô gái nhận về sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng mạng. Nhiều người đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ "cô gái này là con cháu của ai?" khi có thể cầm thẻ ngành để đi khắp Hà Nội trong thời gian giãn cách.
Sau đó, cô gái trẻ này giải thích: "Em chỉ đăng video chơi thôi ạ. Thật ra video quay trước lúc có dịch. Bố em làm nông dân thôi mọi người ơi”.