Thông tin trên được bà Trần Thị Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" diễn ra sáng 20/12 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và Báo điện tử VTC News tổ chức.
Nhiều cách lách luật
Tại hội thảo, bà Trần Thị Việt Nga nhắc đến hàng loạt những hành vi bị cấm trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Theo đó, các hành vi không được sử dụng là sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng; Ngoài ra, không sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất"… để quảng cáo sản phẩm.
Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng khá phổ biến, quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm.
"Đáng chú ý là việc sử dụng nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm rất phổ biến. Người nào cũng rất nhiều bệnh"- bà Nga nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ chức năng tạo cho cơ thể con người tình trạng thoải mái, giảm nguy cơ bệnh tật.
Thực phẩm chức năng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước, giúp bổ sung thành phần có lợi, từ đó thực phẩm chức năng phát triển mạnh hơn qua các nước như Hoa kỳ, Canada, đặc biệt là Trung Quốc. Thực phẩm chức năng chính thức vào Việt Nam vào những năm 2000.
Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Việt Nam có lợi thế lớn phát triển thực phẩm chức năng, trên cơ sở tận dụng nguyên liệu tự nhiên do ông cha ta nhiều năm nghiên cứu, từ bài thuốc Đông y, các nhà khoa học đã kết hợp, chiết xuất, tách chiết để tạo ra sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ. Nhiều doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy hiện đại về thực phẩm chức năng.
Nếu như năm 2000, ở nước ta chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục ngàn sản phẩm. Trong đó, hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước, người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%.
TPCN đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. Thời gian cũng tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Cụ thể, theo Luật quy định, các đơn vị chỉ được quảng cáo thực phẩm chức năng những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép.
Thực tế, nhiều đơn vị cố tình vi phạm về thực phẩm chức năng. Đó là sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng người dùng.
"Trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… để quảng bá sản phẩm. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai chức năng, công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội, khiến công chúng bức xúc"- ông Phong nói.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý thị trường, tại hội thảo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng thực phẩm chức năng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
"Thực phẩm chức năng bị làm giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt gây hệ luỵ về vấn đề sức khỏe và cơ hội chữa bệnh của người bệnh"- ông Đức Lê nói.
Theo ông Đức Lê, kỹ thuật chống hàng giả của Việt Nam hiện đã tụt hậu và không hữu ích. Do đó Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có những công cụ, giải pháp tiên tiến được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ; có cơ sở để đánh giá, xác minh nhanh độ thật, giả của sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng không tự ý mua thực phẩm chức năng không qua tư vấn của cơ quan, đơn vị có chuyên môn hoặc mua theo trào lưu hoặc trên các chợ mạng./.
Theo PV - tamnhin.trithuccuocsong.vn