Thượng tọa Thích Chân Tính nói, Nguyễn Minh Phúc tự nhận là trụ trì chùa Hoằng Pháp, tự in danh thiếp cho mình.
Trên youtube xuất hiện nhiều đoạn video ghi lại cảnh ông Nguyễn Minh Phúc (ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) mặc áo tu sĩ Phật giáo, ăn các loại thịt, trong đó có thịt chó.
Thậm chí, ở 1 video, ông Phúc vừa bê bát, gắp miếng thịt vừa nói: "Thầy chùa ăn thịt chó, cực kỳ ngon... quá xá là ngon". Ở một khung cảnh khác, ông Phúc nói: "...Vẫn ăn thịt cá bình thường, chỉ Rằm mùng 1 các thầy ăn cùng phật tử là ăn chay. Riêng một số chùa... ban ngày đãi phật tử cũng đãi đồ chay, nhưng các thầy cũng có ăn mặn bình thường".
Ông Phúc còn xưng "thầy" ở trong đoạn video.
Hôm nay, theo Tiền phong, Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) đã lập danh sách và mời 5 Youtuber lên làm việc. Những người này đã quay phim, livestream đăng trên youtube những phát ngôn của ông Nguyễn Minh Phúc (tự xưng Tâm Phúc), trong đó có một số người quay nội dung "thầy chùa ăn thịt chó".
Theo nguồn trên, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi cũng đã có thông báo về việc ông Nguyễn Minh Phúc giả mạo là tu sĩ và có những phát ngôn trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Ban trị sự cho biết, thời gian qua, trên kênh youtube đăng tải rất nhiều video ông Nguyễn Minh Phúc mặc áo tu sĩ Phật giáo có những phát ngôn trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhiều video trên YouTube đăng tải thông tin gây ảnh hưởng đến tu sĩ Phật giáo. Ảnh chụp màn hình/Tiền phong
Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi đã ký văn bản đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm tình trạng trên. Đồng thời khẳng định các loại giấy tờ chứng minh là tu sĩ, các quyết định bổ nhiệm do Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp cho ông Nguyễn Minh Phúc đều do ông này tự làm giả mạo.
Chiều nay, trao đổi trên chuyên trang Đất Việt/báo điện tử Tri thức và Cuộc sống, Trưởng phòng văn hóa huyện Củ Chi cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh, UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo đơn vị xuống nhà ông Phúc và yêu cầu tháo dỡ các bảng hiệu treo tại nhà ghi là chùa Hoằng Pháp Trung Ương và tượng Phật.
"Khi cơ quan chức năng xuống xử lý, người này cũng chấp hành tháo dỡ, khi hỏi về giấy tờ thì ông Phúc cho biết đang trong thời gian chờ làm giấy tờ. Do người này không có giấy phép hoạt động nên cơ quan chức năng không cho phép hoạt động ở địa phương.
Hiện ông Phúc không có giấy tờ chứng minh mình có phải là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay thuộc đơn vị khác", chuyên trang Đất Việt/báo điện tử Tri thức và Cuộc sống trên dẫn lời vị đại diện Phòng Văn hóa thông tin huyện Củ Chi.
Cũng theo nguồn trên, UBND huyện Củ Chi kiến nghị Sở Thông tin Truyền thông, Công an TP.HCM xử lý các kênh youtube đã đăng tải các video clip phát ngôn trái với truyền thống Phật giáo, xuyên tạc Phật giáo của ông Nguyễn Minh Phúc. Tất cả các video clip này phải tháo gỡ khỏi các trang youtube, đồng thời nghiêm cấm các kênh youtube đến nhà ông Phúc ghi hình đăng thông tin những hoạt động, phát ngôn của ông Phúc.
Ông Nguyễn Minh Phúc trong một cửa hàng bán lễ phục Phật giáo ở một quận trung tâm TP.HCM. Ảnh: Báo Giác ngộ
Trên Phatgiao.org.vn, Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, Nguyễn Minh Phúc (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) có đến chùa Hoằng Pháp, xin được ở lại chùa cũng như xin chùa giúp đỡ việc ăn học vì hoàn cảnh gia đình của Phúc khó khăn.
Với tinh thần từ bi của đạo Phật, chùa đã nhận chú Phúc vào chùa ăn học. Trong thời gian ở chùa Hoằng Pháp, chú Phúc có Quy Y Tam bảo, lấy pháp danh là Tịnh Phú.
"Sau 3 - 4 năm chú Phúc trở về nhà, nhà chùa cũng không biết chú Phúc làm gì. Một thời gian sau, chú Phúc có nói là thăm một số chùa ở nhiều nơi, sau đó chú Phúc tự cạo đầu, tự mặc pháp phục của người xuất gia và tự đặt tên là Thích Tâm Phúc. Đồng thời chú Phúc còn tự nhận là trụ trì chùa Hoằng Pháp, tự in danh thiếp cho mình.
Khi biết được sự việc, chùa Hoằng Pháp đã lên tiếng thì người này bày tỏ sự sám hối, đồng thời hứa sẽ không tái phạm", Thượng tọa Thích Chân Tính nói.
Ông Phúc rời chùa đi "hết chỗ này tới chỗ kia". Sau đó trở về nhà dựng lên "ngôi chùa" Ngộ Chân Tử - chính là căn nhà mà người mẹ của ông Phúc đang ở. Thượng tọa Thích Chân Tính có liên lạc với Phúc nói không được lấy tên Hòa thượng Ngộ Chân Tử để đặt cho chùa của mình. Phúc sau đó đổi tên "chùa" của Phúc là Ngộ Chân Tự (chỉ khác một từ).
Thời điểm ông Nguyễn Minh Phúc và một người dân xô xát. Ảnh: báo Người lao động
Theo báo Phụ nữ online, Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng ban Trị sự GHPG huyện Củ Chi hôm nay cho biết, địa chỉ nhà số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi là địa chỉ nhà ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, không có cơ sở gọi là chùa Hoằng Pháp Trung Ương.
Nơi này trước đây từng có đăng ký thành lập 6 doanh nghiệp do ông Nguyễn Minh Phúc làm người đại diện pháp luật nhưng không hoạt động, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã có quyết định thu hồi tất cả giấy phép thành lập doanh nghiệp tại địa chỉ này.
Theo Cổng thông tin Phật giáo, cuối năm 2020, Thượng tọa Thích An Thường (Ủy viên BTS GHPGVN TP.HCM, Phó Ban TT - Chánh thư ký BTS GHPGVN huyện Củ Chi) cho biết, Nguyễn Minh Phúc là người ở địa phương, được Nhà nước hỗ trợ xây cho người mẹ của anh Phúc một ngôi nhà ở địa phương, chính là nơi tự xưng là chùa Hoằng Pháp. Còn anh Phúc sau một thời gian đi khỏi địa phương trở về, anh Phúc tự cạo đầu, tự xưng là người tu hành.
Thượng tọa Thích An Thường cho hay, nếu anh Phúc thực sự là người xuất gia thì phải được sự đồng thuận của GHPGVN huyện Củ Chi hoặc ở quận, huyện nào đó chấp thuận, phải có giấy xuất gia, thọ giới..., nhưng anh Phúc không có giấy tờ chứng minh.
"Năm 2014, chúng tôi đã có văn bản gửi phòng Nội vụ, gửi UBND huyện, Công an... rằng GHPGVN huyện không quản lý anh Nguyễn Minh Phúc và giao cho chính quyền quản lý.
Tôi xin thay mặt cho Thường trực BTS GHPGVN huyện Củ Chi với vai trò Phó Ban TT - Chánh thư ký BTS GHPGVN huyện khẳng định không có chùa Hoằng Pháp Trung ương trên huyện Củ Chi như anh Nguyễn Tâm Phúc tự nhận", Thượng tọa Thích An Thường cho biết trên Cổng thông tin Phật giáo hồi cuối năm 2020./.