Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Lê Tấn Hùng thừa nhận tội danh đã truy tố. Tuy nhiên, ông Hùng xin HĐXX xem xét lại hành vi "Tham ô tài sản" vì trước đó bị cáo Hùng đã dùng tiền cá nhân để hoàn trả thất thoát tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Ngoài ra, bị cáo Hùng còn cho rằng: "Tôi đã thực hiện đúng theo thẩm quyền, không vụ lợi, không tác động, không phải là chủ mưu xuyên suốt trong vụ án".
Bị cáo Hùng trình bày, bản thân lớn lên trong gia đình cách mạng, gia đình bị cáo khó khăn, bị cáo hiện có một đứa con bị bệnh từ nhỏ.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", nhưng vẫn cho rằng tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét thấu đáo nhiều vấn đề dẫn đến tuyên mức án cho bị cáo nặng nề.
Trình bày tại tòa, bị cáo Tuyến nói: Dự án này không phải do bị cáo phụ trách. Khi nhận được tờ trình về việc chuyển nhượng nhà ở tại khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9) ông có ký vào văn bản. Sau đó, khi nhận được báo cáo dự án có trong danh mục được chuyển nhượng nên ông ký quyết định mà không báo cáo Thường trực ủy ban và UBND TP.HCM.
Bị cáo Tuyến khẳng định về lí do không báo cáo Thường trực Ủy ban và UBND TP.HCM là do sơ suất, không hề vụ lợi, không phải biết sai mà vẫn làm. Về tình tiết giảm án mới, ông Tuyến khai ông vừa đi kiểm tra thấy mình mắc bệnh về tim mạch, xin được giảm án để sớm đi thi hành án.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn cho rằng mình bị oan, bản án sơ thẩm đã không phân biệt được các thủ tục pháp lý trong việc chuyển nhượng các dự án bất động sản để xác định rõ ràng trách nhiệm của các cá nhân nên dẫn đến oan sai cho ông. Bị cáo Tuấn còn trình bày, bản thân không vụ lợi, không mất năng lực hành vi, chỉ ký vì nể nang.
Ông Tuấn nói, việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không phải là đấu giá công khai. Bản án sơ thẩm cho rằng việc chuyển nhượng vốn phải thực hiện đấu giá là không đúng. Theo quy định, việc chuyển nhượng vốn thực hiện ở các công ty TNHH khi rút vốn về mới phải đấu giá, còn SAGRI chuyển nhượng dự án nhà ở tại khu phố 4 cho Công ty Phong Phú là hình thức hợp tác đầu tư chứ không phải rút vốn.
Liên quan vụ án này, 7 bị cáo có kháng cáo và kháng nghị của Viện trưởng VKSND, gồm: Lê Tấn Hùng - cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI); Trần Vĩnh Tuyến - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Trọng Tuấn - cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM; Nguyễn Thị Thúy - cựu Kế toán trưởng SAGRI; Hồ Văn Ngon - cựu Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên SAGRI; Nguyễn Thị Tuyết Mai - cựu Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI và Đoàn Quang Hồi - cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Lữ hành Hòa Bình Quốc Tế.
Theo bản án sơ thẩm, quá trình giữ chức Tổng giám đốc SAGRI, ông Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục, ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận nhằm chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú.
Đồng thời, ông Hùng ký hợp đồng và các văn bản, hoàn tất việc chuyển nhượng dự án hơn 168 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 672 tỷ đồng của Nhà nước.
Với vai trò là Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng công ty Phong Phú.
Ngoài sai phạm trên, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng đã chỉ đạo cấp dưới lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài, chiếm đoạt 13,3 tỷ đồng của SAGRI để sử dụng vào mục đích cá nhân./.