2-1657766080.jpg
Những chuỗi dao trừ tà bằng gỗ trong lễ giỗ họ của người Mông ở Nghệ An

Giỗ họ hay còn gọi là tết họ là hoạt động văn hóa tâm linh độc đáo của người Mông ở Nghệ An. Cũng như rằm tháng giêng hay tháng bảy của người miền xuôi, giỗ họ là lúc người ta sum họp nội tộc, nhớ về cội nguồn. Đi kèm với đó là các nghi lễ tâm linh đặc sắc.

Lễ giỗ họ của người Mông họ Và ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn là một trong những điều đặc sắc như thế. Từ sáng sớm, đàn ông trong dòng họ đã tụ tập làm một thứ đồ thường thấy trên cửa chính của một ngôi nhà người Mông. Những con dao gỗ được trang trí các đường kẻ song song bằng than rồi xâu thành chuỗi. Mỗi nhà đều phải tự làm những con dao trừ tà ma như thế. Nhà có bao nhiêu đàn ông, con trai thì làm bấy nhiêu chuỗi dao gỗ.

Con vật tế thần của dòng họ Và là dê.  Đó là chú dê màu trắng sẽ bị hiến tế cúng thần linh và xẻ thịt cho đều cho cả họ. Trước đó mỗi gia đình đã phải góp một khoản tiền để mua dê. Ngoài ra, người ta còn mổ thêm gà, vịt để đủ cho cả họ ăn cỗ.

1-1657766076.jpg
Thầy mo thường phải ngồi cúng hàng giờ đồng hồ trong mỗi lần làm lễ

Gần trưa, thầy cúng bắt đầu phần việc của mình. Ông trùm chiếc khăn màu đỏ trên đầu che kín mặt. Người ta bưng đến một chiếc ghế dài thô mộc. Thầy cúng đứng lên ghế, hướng mặt về bàn thờ rồi ra hiệu cho những người ngồi sau ghế vái lạy. Xong đâu đó, ông bắt đầu màn biểu diễn. Ông hú gọi thần linh, cái đầu luôn lắc lư, tay chân múa theo nhịp điệu bài cúng. Một người đứng cạnh cầm chiếc chêng trên tay gõ liên hồi thật huyên náo.

Bài cúng kéo dài 4 giờ đồng hồ. Thầy cúng đã mệt rủ rượi, nhưng phần đáng xem của ngày lễ thì vẫn chưa diễn ra. 2 giờ chiều, những  đồ cúng được chất lên lưng dê và người ta dẫn nó vào rừng. Đây cũng là không gian chính của lễ cúng họ. Con dê hiến tế phải đủ lớn để nhà nào cũng được chia phần thịt và đủ khỏe mạnh để mang theo những thứ đồ cúng được chất trên lưng.

4-1657766126.jpg
Cảnh chia thịt dê sau lễ. Người ta thường ăn hết chỗ thịt được chia vì kiêng mang về

Đến nơi, một nhóm hạ sát chú dê tội nghiệp. Đầu dùng để tế thần rừng, những bậc tối linh đã phù hộ cho dòng họ. Người ta nhóm lửa bên đường chế biến thịt dê thành những món khác nhau, trong đó có tiết canh, thịt và nội tạng nấu chung trong một chiếc nồi lớn để chia cho cả họ. Một số nồi khác nấu thịt gà, vịt… 

Một nhóm khác chặt cây kết thành 3 chiếc “cổng”. Trên đình, những cành cây để nguyên cả lá được uốn thành vòm, hai bên được trang trí giấy bản do người Mông tự tay chế biến và chỉ phục vụ mục đích cúng tế. Ba cái cổng được bố trí thẳng hàng, cách nhau một quãng ngắn.

Thịt chín cũng là lúc đoàn người kéo nhau đến lễ hội. Trong bữa tiệc, người ta rút rượu tiết dê mời nhau. Đây là dịp sum họp của cả họ, mỗi năm chỉ có một lần. Nhưng vị khách phương xa tình cờ gặp lễ hội cũng được mời ăn thịt, uống rượu tiết dê…

Bữa tiệc khá chóng vánh. Người dự tiệc chỉ ngồi cùng nhau chừng hơn một giờ đồng hồ. Khi trở về, mỗi người đều phải thực hiện một nghi thức là đi qua từng cánh cổng đã được chuẩn bị sẵn để trở về bản. “Chúng ta sang một thế giới khác ăn thịt cùng thần linh. Chúng ta phải trở về theo cánh cổng này thì lình hồn mới về được.” - Một trong ba thầy cúng làm lễ tại 3 cánh cổng giải thích.

5-1657766154.jpg
Chiếc cổng dẫn vào "thế giới khác" được kết từ cây rừng

Huyện Kỳ Sơn có trên 30 nghìn người Mông sinh sống, nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Họ chủ yếu cư trú ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển. Ngôn ngữ, trang phục tương đối đồng nhất nhưng mỗi dòng họ lại có một tập tục riêng. 

Hầu hết các dòng họ lớn của người Mông ở Nghệ An đều có tập tục “cúng giỗ” của riêng mình. Có nơi gọi là “tết họ”, nhưng cách tổ chức và thời gian diễn ra cũng khác nhau. Trong số này phải kể đến dòng họ Và ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn). Dòng họ Và (còn gọi là Vàng) sinh sống ở hầu khắp các bản ở xã biên giới này cũng như nhiều nơi khác như huyện Tương Dương, Quế Phong. 

Trong khi ngày cúng họ của họ Lầu diễn ra sau tết Nguyên Đán thì họ Và lại tổ chức vào cuối tháng 6 âm lịch. Tuy nhiên các cộng đồng người Mông ở miền núi Nghệ An đều căn cứ theo lịch cũ của người Lào mà theo lịch này thì đã là tháng 9 để chọn ngày tổ chức cúng họ./.