Leclerc - dòng xe tăng danh tiếng
AMX-56 Leclerc là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT), được phát triển bởi GIAT (nay là Nexter) vào những năm 1980, việc sản xuất bắt đầu vào năm 1990 và năm 1992 được đưa vào trang bị cho Quân đội Pháp. Từ năm 1992 đến năm 2007, lực lượng này đã nhận được 406 chiếc; đến năm 2020, 222 xe tăng và 18 xe bọc thép cùng 20 xe phục hồi-sữa chữa vẫn trong trang bị của 4 trung đoàn xe tăng đang hoạt động. Cho đến năm 2010, 876 chiếc Leclerc đã được xuất xưởng, gần một nửa trong số đó được bán cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Có trọng lượng 60 tấn, Leclerc nhẹ hơn 10 tấn so với hầu hết các MBT của phương Tây với nhiều lợi thế - tỷ lệ công suất trên trọng lượng cao, áp suất lên mặt đất thấp hơn, gia tốc cao và tốc độ tối đa đạt 45 dặm/giờ. Leclerc tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với nhiều xe tăng khác; dự trữ hành trình 340 dặm (so với 260 dặm của Abrams) - giảm gánh nặng công tác đảm bảo hậu cần-kỹ thuật. Leclerc tự hào có sự kết hợp đặc biệt giữa giáp composite, truyền thống và phản ứng nổ, đạt hiệu quả hơn khi chống lại đạn xuyên động năng do các xe tăng khác bắn ra.
Quân đội Pháp đã triển khai các phương tiện bọc thép hạng nhẹ và sức mạnh không quân trong các sứ mệnh chiến đấu ở Afghanistan, Congo, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Trung Phi và Mali, phục vụ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Kosovo và Lebanon, nhưng các MBT của họ đã không nổ súng trong các cuộc giao tranh kể từ Chiến tranh vùng Vịnh. UAE đã mua 390 chiếc Leclerc phiên bản “nhiệt đới hóa” với động cơ V12 và 46 xe bọc thép sữa chữa-phục hồi. Leclerc của UAE cũng triển khai cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Kosovo, nơi chúng tỏ rõ tính năng vượt trội nhờ có các cảm biến so với các xe tăng của Pháp.
Theo các nguồn tin UAE, tăng Leclercs đã 4 lần bị phá hủy bởi vũ khí chống tăng; có hai sự cố liên quan đến thiết bị nổ tự chế (IED), một sự cố thứ ba liên quan đến một quả lựu phóng làm chệch hướng lớp giáp Azure của xe tăng mục tiêu và sự cố thứ tư liên quan đến một tên lửa chống tăng. Mùa hè năm 2015, UAE đã tung hai tiểu đoàn Leclerc vào cuộc nội chiến ở Yemen và cho biết, chiếc xe tăng này đã hoạt động tốt hơn so với chiếc M-1 Abrams do Mỹ sản xuất. Lính tăng UAE đã phản ánh cho các đối tác Pháp của họ sự hài lòng với Leclerc, “ấn tượng mạnh mẽ” bởi hiệu suất của nó.
Kế hoạch hiện đại hóa
Tổng cộng, Pháp đang có kế hoạch nâng cấp 200 xe tăng lên chuẩn XLR Scorpion. Việc nâng cấp này là một phần của hợp đồng thứ hai hỗ trợ kỹ thuật cho Leclerc (Marché de soutien en service 2, MSS2) được thực hiện trong 10 năm và sẽ tiêu tốn của Bộ Quốc phòng Pháp 1 tỷ euro. Trước đó, vào năm 2009, Bộ này đã ký hợp đồng với Nexter System với tư cách là nhà cung cấp phụ tùng và dịch vụ duy nhất, theo đó, nhà thầu duy trì tình trạng kỹ thuật của 254 xe tăng Leclerc trong 10 năm.
MSS2 là phần tiếp theo của hợp đồng này, nhưng dành cho một số lượng nhỏ hơn các phương tiện chiến đấu. Phối hợp với Cơ quan Mua sắm Quốc phòng Pháp, Nexter chịu trách nhiệm về cấu hình của xe tăng trong suốt vòng đời của nó và giám sát thực trạng kỹ thuật, hay còn gọi là kiểm soát kỹ thuật. Nexter cũng chịu trách nhiệm cung cấp phụ tùng thay thế (SIMMT) cho xe tăng.
Theo tiến độ, Quân đội Pháp sẽ nhận được 50 chiếc Leclerc được nâng cấp đầu tiên theo hợp đồng vào năm 2022, và vào năm 2024 và 2025, tương ứng là 50 và 122 chiếc; toàn bộ chương trình hiện đại hóa được lên kế hoạch hoàn thành trước năm 2028. Ngoài xe tăng, 17 xe sữa chữa cứu kéo bọc thép Leclerc DCL sẽ được nâng cấp. Theo kế hoạch, phiên bản nâng cấp của loại xe tăng này sẽ được sử dụng cho đến năm 2040, khi chúng sẽ được thay thế bằng một loại xe tăng đầy hứa hẹn do Pháp và Đức chế tạo trong khuôn khổ dự án Hệ thống chiến đấu chính trên mặt đất (MGCS).
Hướng hiện đại hóa
Việc hiện đại hóa Leclerc XLR chủ yếu liên quan đến thiết bị bổ sung, với khẩu pháo chính 140 mm, cũng như các thành phần chính khác của xe tăng - sẽ không thay đổi, nhưng sức mạnh hỏa lực của xe được tăng cường bằng các loại đạn xuyên giáp mới. Để bảo vệ chống lại sinh lực đối phương và các mục tiêu bay tốc độ thấp, mô-đun chiến đấu điều khiển từ xa FN Herstal T2B với súng máy cỡ nòng 7,62 mm của Bỉ được thiết kế. Việc lắp đặt có thể thay đổi độ cao, giúp tăng phạm vi hỏa lực và giảm “vùng chết” xung quanh xe.
Việc hiện đại hóa bao gồm tích hợp vào mạng kỹ thuật số của quân đội Pháp Scorpion cùng với xe bọc thép GRIFFON, JAGUAR và SERVAL. Tất cả các xe tăng nâng cấp sẽ được trang bị hệ thống thông tin chiến đấu SICS mới và máy phát vô tuyến mới Contact do Thales chế tạo, cho phép các kíp xe trao đổi thông tin và thực hiện liên lạc bằng giọng nói với các tổ lái xe bọc thép khác, bộ binh và trực thăng chiến đấu Tiger Mk3; xe tăng trở thành một phần của hệ thống chỉ huy và điều khiển chiến đấu tích hợp Scorpion của các Lực lượng vũ trang Pháp.
Khả năng bảo vệ của hai bên thân xe sẽ được tăng lên nhờ các tấm giáp kết hợp bổ sung và bảo vệ động năng treo; phía trước tháp pháo được tăng cường với các tấm giáp bổ sung; ở phía dưới được thiết kế để bảo vệ bom mìn; khoang động cơ sẽ chỉ được gia cố bằng các tấm lưới chắn. Hệ thống cảnh báo laser, cùng với tổ hợp gây nhiễu khói đa bước sóng GALIX, sẽ làm giảm khả năng bị thiệt hại do tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) tấn công. Hệ thống triệt tiêu vô tuyến BARAGE sẽ hoạt động như một biện pháp bảo vệ chống lại IED; hệ thống phân tích và hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng sẽ được hiện đại hóa.
Việc hiện đại hóa Leclerc phản ánh xu hướng hiện nay hướng tới việc sửa đổi “mềm” các MBT được phát triển vào cuối Chiến tranh Lạnh - như Abrams M1A2C, T-80BM và T-90M - kết hợp các nền tảng của thế kỷ trước với các công nghệ hiện đại. Do đó, có thể nói, kỷ nguyên của thế hệ MBT mới sẽ không đến sớm; các kỹ sư Nga sẽ có thời gian để tinh chỉnh, và “Armata” có thể trở thành xe tăng chủ lực thế hệ mới. Việc khởi động các chương trình này diễn ra vào thời điểm then chốt, khi học thuyết của nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, đang tái xác định vai trò trung tâm của xe tăng hạng nặng là phương tiện chính của ưu thế chiến thuật trên bộ, trong bối cảnh trở lại của các cuộc xung đột cường độ cao./.