a-1655171272.jpg
Xe tải cày nát đường nối Khu kinh tế Dung Quất - Khu kinh tế Chu Lai - Ảnh: T.MAI

Tuổi Trẻ đã trích đăng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hiệp hội vận tải và người dân về đề xuất tịch thu xe quá tải 20% của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

* Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội):

Có hay không bảo kê xe quá tải?

b-1655171319.png

Thực tế lâu nay xe hoán cải có thể tích vận chuyển tăng gấp 3 lần so với thiết kế vẫn tồn tại. Chức năng kiểm định là của ngành giao thông, rồi xử lý là của thanh tra giao thông, công an giao thông. Nhưng lâu nay chúng ta vẫn để những xe này được đăng kiểm, nghĩa là cho họ "chìa khóa" ra đường.

Một số anh em lái xe nói "nếu bọn em vận chuyển đúng trọng tải thì không có lãi". Lý do tại sao? Dư luận đã đặt vấn đề có hay không vấn đề tiêu cực, hối lộ đối với các lực lượng chức năng, thậm chí bảo kê không phải từng chuyến mà theo tháng nên mới đội chi phí tăng lên như vậy. Ngành giao thông vận tải, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận xử lý tận gốc vấn đề này.

* Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc):

Tăng thời gian tước bằng lái xe

c-1655171354.png

Tình trạng xe quá tải gây hư hỏng các công trình giao thông rất bức xúc ở nhiều địa phương. Cần phải quyết liệt xử lý mạnh tay đối với các xe này. Trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát ở trên đường và xử phạt hành chính thật nặng đối với các trường hợp vi phạm.

Nếu cứ phạt nhẹ rồi vẫn cho tồn tại thì không thể giải quyết được. Nghị định 123/2021 của Chính phủ đã tăng mức xử phạt với xe quá tải nhưng cần tăng thời gian tước bằng lái xe, thậm chí vi phạm quá tải bao nhiêu phần trăm có thể thu bằng lái xe; khi đó, người lái xe mới sợ, không dám nhận lái quá tải.

* Ông Bùi Danh Liên (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội):

Nghiêm túc cắt ngay thùng xe quá tải

d-1655171381.png

Cá nhân tôi không đồng tình với đề xuất được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra về việc có thể tịch thu xe quá tải 20%, bởi lẽ nó liên quan đến quyền sở hữu của người dân theo quy định của pháp luật.

Nếu muốn tịch thu xe thì cần phải có kết luận của cơ quan chức năng, thậm chí bản án của tòa án, để tránh những vấn đề pháp lý chứ không thể muốn là làm.

Xử lý xe quá tải hiện nay quan trọng là phải điều chỉnh hành vi, ý thức của những người chủ xe, điều khiển xe.

Cách đây vài năm ở Hà Nội và một số địa phương đã làm rất tốt việc xử lý xe quá tải. Ngoài phạt hành chính, cơ quan chức năng sẽ đưa các xe này về cơ sở sửa chữa để cắt phần cơi nới ở thùng, hạ tải xe. Nhiều chủ xe và lái xe có phản ứng, nhưng sau khi cơ quan chức năng xử lý nghiêm thì họ đã chấp hành việc này.

Tôi đề nghị cùng với tăng mức phạt ở nghị định 123/2021 của Chính phủ hiện nay thì cần nghiêm túc và quyết liệt cắt thùng, hạ tải với các xe quá tải. Bên cạnh đó, kiên quyết không đăng kiểm với các xe vi phạm, tước bằng lái với lái xe vi phạm tải trọng nghiêm trọng.

* Ông Đặng Thế Phương (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng):

Nhiều nơi xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa"

e-1655171409.png

Vấn đề xe quá tải, cơi nới thùng có ở khắp 63 tỉnh thành. Rõ nhất là các xe công trình, xe chở vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án tại địa phương.

Các xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh thì do các địa phương đều có các trạm, chốt nên tình trạng quá tải ít hơn.

Với xe công trình, các xe quá tải này không chỉ ở các vùng ven mà ngay trong các tuyến phố nội đô của Hà Nội, Hải Phòng... cũng nhan nhản.

Về việc xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải đã nêu từ rất lâu nhưng thực tế ở nhiều nơi có tình trạng xử lý không quyết liệt hoặc xử lý theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa". Nhiều khi chúng tôi nói vui là chỉ những người không nhìn thấy gì mới không thấy xe chở vật liệu quá tải nhan nhản.

Thay vì đưa thêm những đề xuất như tịch thu xe quá tải thì chỉ cần thực hiện nghiêm theo đúng các quy định hiện hành. Với các mức phạt tăng cao theo nghị định 123/2021 mà cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thì chủ xe và lái xe quá tải cũng "méo mặt" rồi.

* Bạn đọc Đặng Nhựt (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi):

Tăng cường giám sát và phạt nguội thật nặng

f-1655171462.png

Nhà tôi nằm ngay "con đường tử thần" nối Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế Chu Lai. Đây là đường dân sinh chính của người dân địa phương. Dọc tuyến đường có nhiều bãi biển đẹp từng thu hút rất đông du khách.

Từ khi xe tải chở đất đá chạy ngày đêm, đường hư hỏng, đi đường này rất sợ, việc buôn bán của người dân cũng bị đảo lộn và đã có nhiều tai nạn chết người liên quan đến tình trạng xe quá tải, quá khổ chạy ào ào trên đường.

Tôi đề nghị lực lượng chức năng cần phải tăng cường công tác tuần tra, xử phạt. Những tuyến đường trong khu kinh tế, khu dân cư có lượng xe tải hoạt động nhiều cần phải lắp trạm cân tự động và camera để xử lý nạn quá tải, quá khổ, cơi nới và phóng nhanh vượt ẩu để phạt nguội thật nặng.

Không thể cứ cơ quan chức năng ra quân là xe tải "mất hút", khi các đơn vị rút đi thì xe lại chạy vù vù.. Điều quan trọng là có chịu làm và làm triệt để không, bởi việc thực thi pháp luật đủ nghiêm sẽ chấn chỉnh tình trạng này.

Kiên quyết sẽ xử lý được

g-1655171507.png

Theo thượng tá Vũ Thanh Giang, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi, cần phải có hệ thống pháp luật đủ mạnh để xử lý nghiêm các xe chở vượt tải trọng, thậm chí tước bằng lái những tài xế này. Thực tế, những xe tải "cái gì cũng vượt quy định" thường gây ra các tai nạn thương tâm.

Ngoài ra, cần phải xử lý chủ các doanh nghiệp vận tải, bởi phần lớn những xe chở vật liệu, đất đá. Vừa rồi, cơ quan chức năng Quảng Ngãi đã vận động doanh nghiệp cắt thùng xe cơi nới và kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp khi phát hiện xe của đơn vị cơi nới, chở quá khổ, quá tải.

"Việc lắp đặt camera, trạm cân tự động trên các tuyến đường cũng là việc nên bàn tính và thực hiện. Khi có nhiều kênh giám sát thì vấn nạn xe quá tải, quá khổ, phóng nhanh vượt ẩu sẽ được giải quyết", thượng tá Giang nói.

TRẦN MAI ghi