hinh-1649024012-1649131618.jpg
Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Xanh Mart Vinh.

Hàng hết hạn sử dụng, hàng trắng thông tin

Mua sắm hàng ở siêu thị của người dân TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đang trở thành thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng ở đô thị được xem là phát triển nhất của vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, có một thực tế là người tiêu dùng lại thường “quên” đi thói quen xem date (hạn sử dụng-HSD).

Ngày 31/03, trong vai người tiêu dùng, PV Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng tại gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Xanh Mart Vinh của Liên minh Hợp tác xã (HTX) Nghệ An, có địa chỉ tại số 13 đường Nguyễn Sỹ Sách, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là cửa hàng do các HTX trong tỉnh đã ký kết với Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm Nghệ An thường xuyên.

Theo quan sát, Xanh Mart Vinh chia ra nhiều gian hàng với nhiều mặt hàng khác nhau như: Gạo, rau củ quả, đồ ăn, đồ đông lạnh… cùng với cam kết “cửa hàng thực phẩm đạt chuẩn chất lượng, luôn tươi ngon và an toàn”.

Với cam kết này cùng việc các sản phẩm do Liên minh HTX Nghệ An cung cấp sẽ dẫn đến tâm lý “chắc ăn”, “chủ quan” khi đến đây mua hàng. Tại gian hàng gạo, đập vào mắt PV là sản phẩm “gạo niêu vàng” được sản xuất và đóng gói tại Công ty TNHH MTV Kinh doanh lương thực ThaiBinh Seed, trụ sở tại khu 3 thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh thái Bình. Sản phẩm có ngày sản xuất (NSX) là 29/01/2021 và có HSD vào ngày 29/01/2022. Như vậy, tính đến thời điểm PV có mặt, sản phẩm này đã quá hạn sử dụng hơn 02 tháng nhưng không hiểu vì sao, sản phẩm này vẫn nằm trên kệ hàng. Khi những bao gạo hết hạn sử dụng này đến tay người tiêu dùng thì không biết hậu quả sức khỏe thế nào nữa?

2-1649131800.jpg
Sản phẩm "gạo niêu vàng" đã quá hạn sử dụng hơn 02 tháng nhưng không hiểu vì sao, sản phẩm này vẫn nằm trên kệ hàng.

Hay như sản phẩm “gạo dinh dưỡng Lứt tím” có cùng đơn vị sản xuất trên cũng đã cận date. Sản phẩm có NXS là 07/10/2021 và HSD là 07/04/2022. Như vậy tính đến thời điểm PV có mặt, sản phẩm này chỉ còn 07 ngày nữa là hết HSD.

3-1649131840.jpg
Sản phẩm “gạo dinh dưỡng Lứt tím” có cùng đơn vị sản xuất trên cũng đã cận date, chỉ còn 07 ngày nữa là hết HSD.

Tại gian hàng sản phẩm tinh bột nghệ Lan Ngoạn, sản xuất tại Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An khiến người tiêu dùng lắc đầu vì oái ăm ở chỗ là có HSD 02 năm kể từ NSX nhưng lại không ghi sản xuất từ ngày nào cả.

4-1649131867.jpg
Sản phẩm tinh bột nghệ có HSD 02 năm kể từ NSX nhưng lại không ghi sản xuất từ ngày nào.

Tương tự, tại quầy đông lạnh, sản phẩm “ốc nhồi ống nứa Đức Thành”, sản xuất tại xóm 2, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An lại có thời gian sử dụng cấp đông 01 tháng kể từ NSX nhưng lại không ghi NSX là ngày nào.

5-1649131900.jpg
Sản phẩm “ốc nhồi ống nứa Đức Thành” có thời gian sử dụng cấp đông 01 tháng kể từ NSX nhưng lại không ghi NSX là ngày nào.

Còn sản phẩm bột sắn chanh leo thì không ghi xuất xứ, NSX, HSD. Hay sản phẩm này không bao giờ bị hỏng. Tương tự, sản phẩm “chả cốm”, sản xuất tại Kiot số 6, 100 chợ cốm, Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, cũng trắng thông tin NSX, HSD.

6-1649131934.jpg
Sản phẩm bột sắn chanh leo thì không ghi xuất xứ, NSX, HSD.

Mập mờ hơn, sản phẩm “gà ủ muối Thanh Chương” có HSD 15 kể từ NSX nhưng PV Thương hiệu & Công luận không thấy NSX đâu cả. Khi hỏi nhân viên bán hàng thì được giải thích là "NSX đã bị phai mờ chữ vì quá trình vận chuyển".

7-1649131958.jpg
Sản phẩm “gà ủ muối Thanh Chương” có HSD 15 kể từ NSX nhưng PV không thấy NSX.

Một sản phẩm khác đựng trong túi nilon đã hút chân không có NSX, HSD nhưng trắng thông tin sản phẩm. Khi chúng tôi hỏi nhân viên đây là gì thì được trả lời là “chả cá”. Từ đó, người tiêu dùng cũng không biết các sản phẩm này có thực sự còn HSD nữa hay không và có còn dùng được nữa hay không?.

8-1649131984.jpg
Sản phẩm chả cá có NSX, HSD nhưng trắng thông tin sản phẩm.

Hàng không rõ nguồn gốc?

Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Xanh Mart Vinh được khai trương vào ngày 08/08/2017. Gian hàng nhằm xây dựng thêm nhiều chuỗi liên kết sản xuất, giảm thiểu tình trạng hàng hóa nông sản sản xuất không được giám sát về chất lượng cũng như giảm thiểu tình trạng sản xuất được mùa rớt giá, đem lại nhiều lợi ích cho người sản suất và người tiêu dùng.

9-1649132012.jpg
Khu vực quầy thực phẩm đông lạnh không "trắng thông tin" về sản phẩm.

Với mục tiêu là vậy, nhưng ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm các sản phẩm của các HTX trong tỉnh, gian hàng này còn bày bán nhiều mặt hàng không phải do các HTX trong tỉnh sản xuất. Ngoài ra, ở đây còn bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng do nước ngoài sản xuất nhưng không có tem nhãn phụ.

10-1649132038.jpg
Các sản phẩm đã sơ chế để chung với các sản phẩm tươi sống.

Tại khu vực quầy thực phẩm đông lạnh chúng tôi ghi nhận một loạt thực phẩm như: Thịt lợn, gà ta, gà đen, thịt vịt, các loại cá, mực hay các sản phẩm từ cá, thịt, sơ chế đều không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng.

11-1649132062.jpg
Sẽ không biết đây là gì nếu nhân viên không giới thiệu món "hàu dọc mùng".

Cầm trên tay khay sản phẩm đông lạnh “trắng thông tin” PV Thương hiệu & Công luận hỏi nhân viên đây là gì thì được trả lời đây là “chả cá”, đây là “hàu dọc mùng”, đây là “me sả ớt”, đây là “thịt viên”, đây là “ốc chuối đậu”…

12-1649132090.jpg
Một món thịt lợn đã qua sơ chế.
13-1649132086.jpg
Nhiều món đã qua sơ chế nhưng không có thông tin về sản phẩm.

Các sản phẩm từ thịt gà ta, thịt gà đen, thịt vịt nguyên con cũng vậy. Sản phẩm được bọc sơ sài từ màng bọc thực phẩm không có bất cứ thông tin gì về kiểm định chất lượng cũng như nơi cung cấp nguồn hàng hoá.

14-1649132127.jpg
Các sản phẩm được bọc sơ sài từ màng bọc thực phẩm không có bất cứ thông tin gì về kiểm định chất lượng cũng như nơi cung cấp nguồn hàng hoá.

Tại gian hàng hoa quả tươi, các mặt hàng như: Nho xanh, nhỏ đỏ, xoài, dưa hấu… cũng chỉ có thông tin duy nhất là giá mà không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ.

15-1649132151.jpg
16-1649132161.jpg
Quầy hoa quả cũng chỉ có thông tin duy nhất là giá mà không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau: Đối với nhóm hàng hóa là “Thực phẩm”, nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm:

a) Định lượng;

b) Ngày sản xuất;

c) Hạn sử dụng;

d) Thành phần hoặc thành phần định lượng; thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng (nếu có);

 Nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế;

 đ) Thông tin cảnh báo;

e) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Nghi vấn có hàng lậu

Gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Xanh Mart Vinh ngoài bán các sản phẩm do các HTX trong tỉnh sản xuất, ở đây còn bày bán các sản phẩm do nước ngoài sản xuất nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các sản phẩm này xuất hiện trên kệ của gian hàng như: Nho khô Mỹ không hạt Sunview Raisins, kẹo gấu trúc socola Joyco xuất xứ từ Nga, mì Fresh Udon có xuất xứ từ Hàn Quốc, đậu Hũ Phô Mai EB Cheese Tofu 500g xuất xứ từ Malaysia, rong biển xuất xứ Hàn Quốc, Kẹo hoa quả Nhật Bản 8 vị Soft Candy Japanese Fruits, hạt hướng dương hình bà già LAO JIE KOU xuất xứ từ Trung Quốc.

17-1649132219.jpg
Hạt hướng dương hình bà già LAO JIE KOU xuất xứ từ Trung Quốc.
18-1649132239.jpg
Mì Fresh Udon có xuất xứ từ Hàn Quốc.
19-1649132273.jpg
Kẹo gấu trúc socola Joyco xuất xứ từ Nga.
20-1649132283.jpg
Rong biển xuất xứ Hàn Quốc.
21-1649132292.jpg
Kẹo hoa quả Nhật Bản 8 vị Soft Candy Japanese Fruits.
22-1649132300.jpg
Nho khô Mỹ không hạt Sunview Raisins.
24-1649132312.jpg
Đậu Hũ Phô Mai EB Cheese Tofu 500g xuất xứ từ Malaysia...
Các sản phẩm này do nước ngoài sản xuất nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của Pháp luật Việt Nam.

Cầm trên tay những mặt hàng không có bất kỳ thông tin tiếng Việt nào, lúc đầu chúng tôi rất lúng túng không biết sản phẩm đó tên gọi là gì nên đành phải quay sang hỏi người mua hàng đứng bên cạnh. Thậm chí, có sản phẩm cũng ngờ ngợ không biết là gì đành phải hỏi nhân viên bán hàng. 

Việc gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Xanh Mart Vinh của Liên minh Hợp tác xã Nghệ An lại bán các sản phẩm hết hạn, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là điều không thể chấp nhận được. Nếu người tiêu dùng mua phải, không chú ý tới ngày sản xuất, sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ, sẽ bị ảnh hưởng, gây nguy hại cho sức khỏe.

Nghị định 43/2017 NĐ-CP thì ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, và cần thiết về sản phẩm lên trên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết và làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ, sử dụng; để nhà sản xuất kinh doanh có thể thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình cũng như để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra và kiểm soát. Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau:

1.Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định.

Khoản 4, Điều 31, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP về mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”

Người tiêu dùng TP. Vinh cứ ngỡ đến đây sẽ mua được hàng có nguồn gốc rõ ràng, hàng chất lượng nhưng những thực tế mà PV Thương hiệu & Công luận ghi nhận được khiến không ít người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra và có hình thức xử lý đối với hành vi kinh doanh các mặt hàng hết hạn, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng lậu này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này./.