Xe khách “đắp chiếu"

Công ty Cổ phần Vận tải An Sinh (tuyến TP.HCM - Hải Dương) có 11 xe khách chạy Bắc - Nam thì 6 xe đã nằm "đắp chiếu" ở Hải Dương, ngừng hoạt động. Nguyên nhân của tình trạng trên là việc lượng khách sụt giảm sau dịch Covid-19, đồng thời, giá xăng dầu lên quá cao. DN vận tải này phải cắt giảm đầu xe, hoạt động cầm chừng nuôi nhân viên, trả nợ vay ngân hàng và nhiều lúc lấy tiền túi ra bù lỗ.

Anh Nguyễn Văn Vị - đại diện công ty - cho hay, trước đây xe chạy hai chiều cả đi và về tốn 15-16 triệu tiền dầu còn hiện nay, chi phí nhiên liệu đã lên tới hơn 30 triệu, tương đương gấp đôi so với trước.

Trong khi đó, DN lại không thể bán xe do bán rẻ thì không đáng mà bán giá cao thì không ai mua do nhiều công ty vận tải cũng đang “tắt thở” thực sự, không có khách thì chẳng ai dại gì đi mua thêm xe.

f-1655981038.jpg
Cho xe "đắp chiếu" hoặc thanh lý là tình trạng của nhiều DN vận tải hiện nay (ảnh: Trần Chung)

Trong tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Anh Vũ, đại diện nhà xe A Pẩu (tuyến TP.HCM - Kon Tum), thông tin, công ty đã bán 2/4 xe. 2 xe còn lại hoạt động cũng không thể tăng giá vé vì có khách. Tréo nghoe ở chỗ, chi phí sinh hoạt tăng nên đội ngũ tài xế cũng đòi tăng lương.

“Giá xăng dầu lên hoài, biết khi nào dừng lại? Tài xế mà xin nghỉ hết thì chắc dẹp nhà xe luôn. Còn tăng tiền vé thì tăng sao được vì tội người dân”, anh Vũ nói.

Cập nhật từ Bến xe miền Tây, sản lượng xe xuất bến bình quân hiện đạt 850 xe/ngày, so với ngày thường trước dịch 1.300 xe/ngày (chỉ đạt 65,3%). Lượng khách là 19.000 lượt/ngày, so với ngày thường trước dịch 32.000 lượt/ngày (chỉ đạt 59,3%). Hiện, 67/131 đơn vị vận tải hoạt động tại bến đã gửi kê khai tăng giá vé sau các đợt tăng giá xăng dầu.

Đối với Bến xe miền Đông, sản lượng bình quân từ ngày 1-13/6 là 783 xe/ngày và 12.930 lượt khách/ngày, con số này cũng chỉ đạt 62% so với trước dịch. Từ đầu năm 2022 đến nay có 73 đơn vị kê khai tăng giá vé với mức tăng bình quân 23%.

Miếng bánh ngân sách đâu phải miễn phí  

Từ câu chuyện của những chiếc xe “đắp chiếu”, có thể thấy chi phí nhiên liệu ảnh hưởng rất mạnh lên các DN vận tải. Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho rằng, nhiều DN sau dịch đã bán tháo xe, tài xế nghỉ làm vì khó khăn nên giờ các đơn vị chỉ phục hồi ở mức 30-40%. DN này đang “gồng” lên để cầm cự. Với tình hình hiện nay, đến lúc nào đó các hãng taxi sẽ phải tăng cước vận chuyển chứ không thế giữ mãi nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang. Việc tăng cước chắc chắn kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị, ngoài việc cơ quan quản lý nhà nước xem xét bỏ thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu thì nên xem thuế tiêu thụ đặc biệt có phù hợp không để duy trì. Bởi, thuế này đang “đánh” vào nhiên liệu, nhiên liệu lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân, đầu vào của sản xuất. Không nên tồn tại sắc thuế này đối với xăng dầu.

o-1655981094.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu (ảnh: Trần Chung)

TS. Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế Đại học RMIT, dẫn chứng từ số liệu thống kê của trang Global Petrol Prices (ngày 13/6/2022) thì giá xăng ở Việt Nam đang ở quanh mức trung vị của thế giới. Có nghĩa, giá xăng Việt Nam đang cao hơn giá xăng tại 84 quốc gia khác, trong đó có nhiều quốc gia xuất khẩu xăng dầu. Không chỉ với ngành vận tải, khi giá xăng tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng giá các ngành hàng do tính chất truyền dẫn. 

Trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, ông Tùng cũng cho rằng nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ người dân. Ngoài ra, cần giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu.  

Dẫu vậy, khi phân tích kỹ ở chiều ngược lại, thành viên Đại học RMIT cho hay, không chỉ Malaysia mà một số quốc gia khác cũng có trợ cấp về tiêu dùng xăng dầu như Indonesia, Ghana và một số quốc gia có nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, chính sách này không phải là “miễn phí” hoàn toàn đối với nền kinh tế. Việc trợ giá xăng dầu có thể làm cho người dân cảm thấy cuộc sống “nhẹ nhàng” hơn trong tức thì. Khi nhà nước dùng ngân sách để trợ giá và hãy xem ngân sách như một miếng bánh. Nếu nhà nước cắt một miếng bánh to để trợ giá xăng dầu thì phần cho những chi tiêu còn lại như giáo dục, y tế, quốc phòng sẽ bị thu hẹp lại. Nếu ngân sách không đủ thì nhà nước phải đi vay để trợ giá. Câu hỏi là ai sẽ đứng ra trả nợ vay? Chính là người dân trong tương lai hay con cái của chúng ta bây giờ. 

Trong một nghiên cứu mới nhất, các nhà kinh tế học Malaysia chỉ ra chính sách trợ giá xăng dầu tại quốc gia này đang tạo gánh nặng lên chính sách tài khóa. Thâm hụt tài khóa tại Malaysia sẽ trở nên không bền vững (có nguy cơ vỡ nợ) nếu Chính phủ tăng các khoản nợ vay để trợ giá xăng dầu. 

“Nghiên cứu trên khuyến nghị chính phủ Malaysia nên loại bỏ chính sách trợ giá để ổn định kinh tế vĩ mô”, TS. Tùng nói.