Hỏi tiểu thương ở các chợ thì họ trả lời: “Xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải có giảm đâu mà chúng tôi giảm”. Còn các chủ doanh nghiệp vận tải thì thản nhiên: “Để xem các nhà xe khác có giảm không chứ một mình doanh nghiệp tôi thì chưa giảm đâu”. Có vẻ như tâm lí “lựa giá làng, theo giá chợ” đang kìm hãm việc giảm giá hàng hóa khiến người tiêu dùng chưa hết khó khăn, mặc dù Nhà nước đã tìm mọi cách để giảm giá xăng dầu.

5739-xang-dau-3-2022-quynh-tran-jpe-9189-6810-1645704878-1659001605.jpg

Thực ra, nguyên nhân kìm hãm giảm giá hàng hóa chính là lợi nhuận. Các tiểu thương “mua tận gốc” thường ép giá người bán, bởi hàng hóa sản xuất ra nhiều, nếu không bán cho họ thì biết bán cho ai. Còn khi về các chợ dân sinh thì họ bán “theo giá làng” cao ngất ngưởng, người mua cứ phải mua vì vẫn phải tiêu dùng hằng ngày. Cứ thế, chỉ người sản xuất, người tiêu dùng thiệt, còn người trung gian là các tiểu thương, chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thì lãi to. Lợi nhuận thu được cao hơn thì làm sao họ dễ dàng giảm giá hàng hóa!

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, đây là “độ trễ” tất yếu của giảm giá hàng hóa so với giảm giá xăng dầu. Có người khẳng định: “Chỉ cần các doanh nghiệp vận tải đồng loạt giảm giá cước, tức khắc giá hàng hóa sẽ tự điều chỉnh theo”. Song, để các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước phải có sự can thiệp của Nhà nước, còn để họ tự giác giảm giá thì còn… khuya. Đã vậy, Nhà nước cũng chỉ kiểm soát hơn chục mặt hàng nên không thể can thiệp hết vào thị trường. Có chăng thì chỉ là tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các mặt hàng giá quá cao so với mặt bằng thị trường mà thôi.

Để giải quyết vấn đề “xăng dầu giảm giá, hàng hóa nằm yên”, có chuyên gia đề xuất: “Quan trọng nhất bây giờ là phải thúc đẩy sản xuất, kết nối cung - cầu, hàng hóa lưu thông dễ dàng để giảm bớt khâu trung gian. Từ đó giảm được chi phí để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị tăng cao”. Đề xuất này đúng, nhưng chưa đủ. Hàng hóa ta không thiếu, thậm chí nhiều mặt hàng cung vượt cầu. Lưu thông hàng hóa vẫn thông suốt, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Còn khâu trung gian - khâu quan trọng nhất trong điều tiết giá cả thị trường - thì chắc là không thể giảm bởi Nhà nước chưa bảo đảm được mà vẫn phải phụ thuộc vào các tư thương và doanh nghiệp tư nhân.

Vì vậy, Nhà nước cần có các giải pháp tác động nhiều chiều vào khâu trung gian. Có thể là tuyên truyền giáo dục, cơ chế chính sách hoặc hành chính pháp luật đối với lực lượng đảm nhiệm khâu này để họ có tinh thần, thái độ ứng xử có lí, có tình, có tâm với người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường./.