Ông Nguyễn Bá Đức - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh - giải thích về quy trình vận hành, điều tiết hồ Kẻ Gỗ tại buổi họp báo thông tin về tình hình thiên tai, ứng phó mưa lũ sáng 24-10.
 
 
Ông Đặng Ngọc Sơn - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - chủ trì buổi họp báo. Tại buổi họp báo, ông Sơn cho rằng việc điều hành xả tràn hồ Kẻ Gỗ dựa trên căn cứ khoa học
 
Sáng 24-10, ông Đặng Ngọc Sơn - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - chủ trì buổi họp báo thông tin một số nội dung về tình hình thiên tai, ứng phó với mưa lũ từ ngày 18 đến 21-10 và bão số 8.
 
Xả tràn hồ Kẻ Gỗ tuân thủ quy trình
 
Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến quy trình vận hành, điều tiết hồ Kẻ Gỗ, người dân có nhận được sớm thông tin việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ dẫn đến việc chậm trễ trong việc ứng phó hay không...
 
Theo ông Trần Đức Bá - giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 15 đến 21-10 tại Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được ở các trạm thủy văn phổ biến từ 799-1.383mm.
 
"Đây là đợt mưa lịch sử. Trong số liệu kể từ năm 1960 đến nay chưa bao giờ xảy ra ở Hà Tĩnh. So với các đợt mưa lũ năm 2010 và 2016, đợt mưa lũ này có tổng lượng mưa cao hơn rất nhiều.
 
Đặc biệt, đợt mưa này xuất hiện lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất từ trước đến nay và mưa không dừng trong 47 giờ liên tục. Mưa cực đoan đã gây ngập lụt ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các huyện, thành phố vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ do mưa lớn tập trung ở những vùng này", ông Bá thông tin.
 

 
Ông Nguyễn Bá Đức - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh - phân tích về quy trình xả lũ hồ Kẻ Gỗ trước diễn biến mưa lũ bất thường 
 
Ông Nguyễn Bá Đức - phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh - đưa ra phân tích: về diễn biến mưa lũ tại hồ Kẻ Gỗ, lúc 7h sáng 15-10 đạt cao trình 25,8m, thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,7m (ngưỡng tràn xả lũ hồ Kẻ Gỗ là 26,5m).
 
Tuy nhiên, đến 6h sáng 18-10, mưa lớn đổ về, nước trong hồ đạt cao trình 29,13m, cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 2,63m (trong vòng 24 giờ mực nước hồ tăng lên 2,51m). Trước tình hình đó, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả lũ từ 13h ngày 18-10 với lưu lượng tăng dần từ 50m3/s lên 200m3/s.
 
Lưu lượng xả lớn nhất 1.060m3/s và mức xả này chỉ duy trì trong 1 giờ (từ 9h đến 10h sáng 19-10), sau đó giảm dần.
 
"Chúng tôi đã theo sát diễn biến từ khí tượng nhưng đây là đợt mưa lịch sử, khó lường. Việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ chúng tôi đã rất cân nhắc và tuân thủ theo đúng quy trình vận hành. Đến hiện tại cho thấy việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ vừa qua đã đảm bảo an toàn hồ đập, giảm thiểu ngập lụt hạ du và vẫn tích nước phục vụ những năm sau", ông Đức nói.
 
Ông Nguyễn Văn Tâm - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh - cũng cho rằng đơn vị đã vận hành hồ Kẻ Gỗ đúng quy trình được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập.
 
Tái thiết sau lũ, bà con cần gì?
 
 
Một phụ nữ ở xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bật khóc khi nhận nước suối sau 3 ngày nhà bị ngập 
 
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh - cho biết đến ngày 23-10 tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận gần 40 tỉ đồng tiền mặt và hàng hóa của các tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân vùng lũ.
 
"Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn tấm lòng của bà con cả nước đã hướng về người dân gặp thiên tai trong những ngày qua. Người dân cho bà con cái gì cũng rất quý, nhưng đến hiện tại đã qua giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, lượng mì gói, bánh chưng khá nhiều", bà Thủy nói.
 
Theo bà Thủy, đến nay nước đã rút, bà con đang trở lại khôi phục cuộc sống. Sau đợt mưa lũ, nhiều gia đình chắc chắn sẽ tái nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
 
"Lúc này nhu cầu bà con cần nhiều nhu yếu phẩm, gạo, giống, cây trồng sản xuất, sách vở cho con đến trường. Chúng tôi đã tư vấn cho các đoàn cứu trợ hướng đến việc hỗ trợ bà con tư liệu sản xuất, sinh kế lâu dài. Chúng tôi cũng đã trình tỉnh xin ý kiến nâng mức hỗ trợ cho bà con thiệt hại so với văn bản của tỉnh ban hành từ 4 năm nước", bà Thủy nêu.
 

Đoàn viên thanh niên Hà Tĩnh hỗ trợ bà con khắc phục mưa lũ 
 
Ông Đặng Ngọc Sơn đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt ở Hà Tĩnh vừa qua do mưa lớn lịch sử kết hợp với triều cường dâng, cơ sở hạ tầng làm chậm thoát lũ.
 
"Hồ Kẻ Gỗ đã giúp cắt lũ 200 triệu m3/s cho vùng hạ du. Việc điều hành hồ Kẻ Gỗ xả tràn đều có căn cứ khoa học, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTTN và lãnh đạo tỉnh là người chịu trách nhiệm cao nhất. Chúng tôi chủ động việc này. Tuy nhiên, qua đây tỉnh cũng sẽ họp, đánh giá lại quy trình vận hành hồ, ứng phó với các kịch bản thiên tai bất lợi", ông Sơn nhấn mạnh.
 
Ông Sơn yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, lũ; cứu trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước sạch sinh hoạt, nhu yếu phẩm, không để người dân bị đói, rét.
 
Ưu tiên cho việc sửa chữa, khôi phục trạm xá, bệnh viện, trường học để chữa bệnh và tạo điều kiện cho học sinh đến trường sớm nhất. Theo dõi sát diễn biến cơn bão số 8, số 9 để có biện pháp ứng phó.
 
"Tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ đúng quy định, đảm bảo công bằng, dân chủ và công khai; thường xuyên kiểm tra, thanh tra giám sát chặt chẽ việc sử dụng, kịp thời phát hiện, bổ cứu các sai sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", ông Sơn chỉ đạo.
 
6 người chết, hơn 42.500 hộ dân ngập lụt
 
Theo báo cáo của Sở NN&PTTNT tỉnh Hà Tĩnh, đợt mưa lũ vừa qua ở tỉnh này đã làm 6 người chết. Trong thời điểm cao nhất ngày 20-10, có 118 xã, phường thị trấn với hơn 42.500 hộ dân của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt. Riêng "rốn lũ" Cẩm Xuyên có 10.900 hộ với 32.700 người bị ảnh hưởng.
 
Các lực lượng vũ trang đã huy động hơn 8.400 cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và hàng trăm tàu, thuyền xuống giúp sơ tán 18.771 hộ với hơn 59.000 người.
 
Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.
 
UBND tỉnh Hà Tĩnh huy động hơn 16.000 thùng mì, 20.300 két nước uống, 20 tấn gạo, 600 thùng lương khô… Tỉnh Hà Tĩnh đã phân bổ 11 tỉ đồng cho các địa phương khắc phục mưa lũ./.