“Công bằng vaccine” là điều mà nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có WHO và WTO đề cập rất nhiều lần kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Vậy các tổ chức này đã giải quyết bài toán khó này như thế nào?

Tình hình thực hiện cam kết “công bằng vaccine”

Đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên toàn cầu từ hơn 1 năm rưỡi qua và câu chuyện về vaccine ngừa Covid-19 cũng đã trở thành tâm điểm tranh cãi giữa các quốc gia suốt 10 tháng qua. Nhìn vào thực tế hiện nay, có thể nói vấn đề công bằng vaccine là rất xa vời, vì thực tế nổi bật hiện nay là sự bất bình đẳng vaccine giữa một thiểu số là các quốc gia phát triển, giàu có với đa số là các nước nghèo, đang phát triển tập trung nhiều ở châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á hay châu Mỹ Latin. Rất nhiều số liệu thể hiện sự bất bình đẳng vaccine này, như việc các nước giàu có đã tiêm hơn một nửa tổng số liều vaccine được sản xuất trên toàn thế giới cho đến nay, còn số liều vaccine được tiêm ở các nước có thu nhập thấp mới chỉ chiếm 0,4% tổng số liều vaccine đã phân phối trên thế giới.

WHO và WTO cùng giải “bài toán khó” về công bằng vaccine Covid-19
Vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: al Jazeera.

Một ví dụ khác là mới chỉ có 18 triệu trong tổng số 1,3 tỷ dân châu Phi được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong khi riêng tại Mỹ, con số này là 162 triệu người đã tiêm đủ 2 liều, hay tại Anh là gần 40 triệu người. Trên phạm vi toàn thế giới, các nước nghèo mới chỉ tiêm được 1% dân số còn tại Mỹ là 55%, tại Anh là 68%, tại châu Âu trung bình là 45% còn toàn thế giới trung bình là 25%. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục khoét sâu sự bất bình đẳng về cơ hội, ở đây là cơ hội được tiêm vaccine, giữa các nước giàu và nước nghèo.

Tất nhiên các thể chế quốc tế cũng như các nước phát triển cũng đang đóng góp về tài chính và vật tư để khắc phục sự bất bình đẳng đó. Sự ra đời của cơ chế COVAX rồi liên minh tiêm chủng toàn cầu GAVI cũng như các cam kết tài trợ từ các nhóm nước G7, G20, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… đang được thúc đẩy. Nhưng các nỗ lực này là chưa đủ và hiện tại, với các diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, khi biến thể Delta gây ra các đợt bùng phát dịch lớn ngay tại những nước có độ phủ vaccine lớn như Anh hay châu Âu thì vấn đề phân phối vaccine cho các nước nghèo, đang phát triển sẽ còn tiếp tục gặp rất nhiều cản trở, do chính các nước có nguồn cung vaccine dồi dào cũng sẽ phải dự trữ khối lượng vaccine nhiều hơn nhằm tiêm tối đa cho dân chúng các nước này, rồi mở rộng độ tuổi tiêm chủng hay thậm chí là tiêm mũi thứ 3 nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu đi.

WHO, WTO xử lý vấn đề sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế thế nào?

Đây chính là nút thắt được coi là nghiêm trọng nhất hiện nay trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận vaccine cho các nước trên thế giới. Ngay từ tháng 10/2020, tức thời điểm các loại vaccine bắt đầu được phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp, hai nước Ấn Độ và Nam Phi đã đệ trình một đề xuất lên Hội đồng các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), một cơ quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó đề nghị bãi bỏ một số bản quyền liên quan đến các phương thuốc điều trị Covid. Cho đến nay, đề xuất này đã được mở rộng sang cả việc từ bỏ bản quyền vaccine, tức là các nhà sản xuất địa phương tại các quốc gia có thể sản xuất vaccine ngừa Covid-19 mà không cần sự cho phép của các hãng dược phẩm sở hữu công nghệ sản xuất loại vaccine đó. Ngày càng nhiều nước ủng hộ đề xuất này, trong đó có cả Mỹ và Anh.

Cách đây 1 tháng, ba tổ chức lớn là Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, Tổ chức Thương mại thế giới - WTO và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO đã họp và thống nhất quan điểm ủng hộ quyền tiếp cận rộng rãi và công bằng hơn của các quốc gia với vaccine ngừa Covid-19. Ba tổ chức này đã thiết lập một nền tảng trợ giúp kỹ thuật chung nhằm giúp các nước có nhu cầu về công nghệ y học, đặc biệt là công nghệ chẩn đoán, điều trị Covid-19. Đây là một bước tiến lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của các nước vì vẫn chưa tháo gỡ được điểm tắc nghẽn trong phân phối vaccine toàn cầu, khi việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 vẫn nằm trong tay của một số ít các tập đoàn dược phẩm tại một số quốc gia. Chỉ khi nào thế giới đạt được thỏa thuận từ bỏ bản quyền vaccine và các nước phát triển chấp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thì các nước đang phát triển mới có thể tự chủ được về nguồn cung vaccine và thoát được tình trạng không thể đặt mua vaccine hoặc đặt mua nhưng phải chờ đợi quá lâu mới nhận được hàng, trong khi đại dịch Covid-19 đe dọa hàng ngày.

Phải coi vaccine là tài sản nhân loại

WHO, WTO và WIPO đã thiết lập một nền tảng trợ giúp kỹ thuật chung cho các nước tiếp cận với công nghệ y học. Tuy nhiên, việc này là chưa đủ. WHO và WTO cần phải tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm giúp các nước có được bản quyền và công nghệ sản xuất vaccine, phải coi vaccine trong thời điểm này là tài sản của nhân loại, qua đó mới có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số thế giới trong năm 2022. Tất nhiên, các nỗ lực này cũng cần phải được thực hiện thông qua đàm phán tôn trọng lợi ích của các quốc gia, của các tập đoàn dược phẩm đã bỏ ra rất nhiều công sức về tài chính và trí tuệ trong nhiều năm để nghiên cứu công nghệ và sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 trong một thời gian ngắn kỷ lục.

Theo dự kiến, vào hai ngày 27 và 28/7 tới, Hội đồng các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO sẽ lại họp bàn về đề xuất từ bỏ bản quyền vaccine. Sự ủng hộ của các nước đang ngày càng nhiều hơn và đó có thể sẽ là một áp lực lớn buộc một số nước trong EU hay một số tập đoàn dược phẩm chấp nhận đề xuất này. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi đề xuất này được thông qua, WHO và WTO cần vận động chính trị mạnh mẽ hơn để các nước phát triển tài trợ vaccine nhiều hơn, hay ít nhất là tạm ngưng các kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 3 hay tiêm cho trẻ em và dành những liều vaccine đó cho các nước đang thực sự cần.

Tất nhiên, trong bối cảnh đại dịch hiện nay, các quốc gia cũng không thể trông chờ hết vào WHO hay WTO mà cũng phải tự tìm hướng đi cho riêng mình. Trong ngày hôm qua, 21/7, hãng dược Pfizer/BioNTech vừa ký với Viện Biovac của Nam Phi hợp đồng sản xuất ngay tại Nam Phi 100 triệu liều vaccine Pfizer mỗi năm cho Liên minh châu Phi. Đây là một ví dụ cho thấy các chính phủ cần chủ động các hợp đồng liên kết với các hãng dược phẩm để nắm được nguồn cung vaccine vì cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài nên không thể chỉ dựa vào các cơ chế phân phối vaccine từ WHO hay tài trợ từ các quốc gia./.