Như vậy sau khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020 thì đến nay, hơn 2 năm đã qua, đây vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Người đứng đầu WHO bày tỏ lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày một gia tăng sẽ gây áp lực lớn hơn nữa lên hệ thống và nhân viên y tế.

Theo Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, số ca mắc COVID-19 thông báo lên WHO đã tăng 30% trong 2 tuần qua chủ yếu do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây ra trong khi nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phòng chống.

Các nhà lãnh đạo WHO cho rằng làn sóng mới của virus một lần nữa chứng minh rằng COVID-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt và chúng đang tự do lưu hành. Tuy nhiên, để ứng phó tình hình hiện tại, chúng ta đang ở một vị trí tốt hơn nhiều so với lúc bắt đầu đại dịch.

Tổng Giám đốc WHO lưu ý trong bối cảnh số ca mắc và nhập viện gia tăng, chính phủ các nước cũng phải triển khai các biện pháp đã được áp dụng như đeo khẩu trang, cải tạo hệ thống thông gió, tăng cường xét nghiệm và đề ra phương pháp điều trị.

Về vaccine phòng COVID-19, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh vaccine đã cứu sống hàng triệu người. Vì vậy, điều quan trọng là các chính phủ phải tập trung vào việc thúc đẩy những cộng đồng có nguy cơ cao nhất, tìm những người chưa được tiêm chủng để xây dựng bức tường miễn dịch hướng tới mục tiêu 70% dân số mọi quốc gia được tiêm đủ liều cơ bản vào giữa năm 2022 (khoáng 11 tỷ liều).

Theo thống kê từ Ourworldindata, đến hết ngày 12/7, toàn thế giới đã tiêm được 9,46 tỷ liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 5 tỷ liều mũi 1 và 4,46 tỷ liều mũi 2 (đạt gần 57%)./.