GDP có thể tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,7% trong năm 2021. Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
 
Hôm 30/7, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Điểm lại, một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, với chủ đề “Trạng thái Bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?”.
 
Theo Ngân hàng Thế giới, trong khi Việt Nam đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh Covid-19, kinh tế Việt Nam đang phải chịu cú sốc lớn nhất trong vòng 35 năm qua. Với trạng thái bình thường mới, các nhà lập chính sách sẽ phải tìm các động lực tăng trưởng mới để bù vào các động lực tăng trưởng cũ (đầu tư nước ngoài và tiêu dùng tư nhân), trong khi vẫn cần giảm bất bình đẳng đang gia tăng.
 
Tuy nhiên, Việt Nam đang đi trước trong cuộc chiến chống Covid-19, nên có lợi thế đặc biệt để tăng thêm sự hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu và trở thành một nước đi đầu trong lĩnh vực kinh tế số.
 
Việt Nam cần thích nghi với trạng thái bình thường mới
 
Bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, nhận xét các chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4 đã giúp cho nhiều ngành nghề phát triển, tuy nhiên còn nhiều ngành vẫn khó khăn như du lịch, vận tải, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Việt Nam không nên tư duy theo trạng thái bình thường cũ mà nên suy nghĩ xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao.
 
Cũng theo quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới của quốc gia, chính phủ cần tính thận trọng mở cửa biên giới, hỗ trợ đúng đối tượng cho người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong xã hội mà Covid-19 đã tác động.
 
 
Ngân hàng Thế giới tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới. GDP có thể tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,7% trong năm 2021. Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. 
 
Nhờ thoát được tác động dịch bệnh của Covid-19 trong năm 2020, Việt Nam có khả năng nâng tầm về kinh tế và thương mại trong năm 2020. 
 
Trong nguy luôn có cơ, WB hy vọng rằng các bạn sẽ đồng ý với WB rằng cuộc khủng hoảng này hoàn toàn khác, vượt qua được, Việt Nam sẽ hoàn toàn có thể trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
 
Covid-19 - tai ương nhỏ về y tế nhưng là tai ương lớn về kinh tế
 
Chuyên gia kinh tế trưởng WB, ông Jacques Morisset, phân tích rằng Covid-19 là một hiện tượng trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến toàn Việt Nam. Covid-19 là hiện tượng trên toàn cầu cả về y tế và kinh tế. 646 nghìn người đã thiệt mạng vì Covid-19 và 16 triệu người bị mắc Covid-19. 
 
Covid-19 không chỉ là cú sốc về y tế mà còn là cú sốc về kinh tế. Tất cả khu vực lớn trên thế giới, ngoại trừ Đông Á, đều sẽ có nền kinh tế tăng trưởng âm trong thời gian tới.
 
Với Việt Nam, Covid-19 là tai ương nhỏ về y tế nhưng là tai ương lớn về kinh tế. Số ca tử vong bằng không, chính phủ đã rất mạnh dạn trong việc ngăn chặn Covid-19, các tổ chức thế giới đều ghi nhận điều này. Tăng trưởng kinh tế đi từ 7% vào cuối năm 2019 xuống còn 0,36% vào quý 2/2020. Tuy nhiên Việt Nam có vị thế rất tốt để chống đỡ cú sốc này trong khi đây là cú sốc lớn nhất về kinh tế tính từ năm 1976 đến nay.
 
 
Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân, WB từng phỏng vấn một chủ kinh doanh homestay tại Hà Nội. Chủ kinh doanh chia sẻ: "Tôi đang sở hữu 60 homestay tại Hà Nội, khi dịch Covid-19, khi dịch xảy ra, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu đi xuống. Tôi buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh mới, tập trung vào khách nội địa. Khi tôi chuyển sang khách nội địa, tôi cũng nhận thấy có tiềm năng".
 
"Theo số liệu của chính phủ, khoảng 30 triệu người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Bản thân WB cũng thực hiện khảo sát, và khoảng 30% cho biết họ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hầu hết các hộ kinh doanh cá thể chịu tác động nặng nề hơn người lao động làm công ăn lương. Tôi cảm nhận rất tích cực về Việt Nam trong năm 2020. WB từng dự báo về mất cân đối tài khoản vãng lai tại Việt Nam, tuy nhiên, con số cân đối này vẫn dương. Ngành du lịch sụt giảm, kiều hối giảm, xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu cũng giảm vì vậy cũng được bù đắp phần nào, ông ông Jacques Morisset nhấn mạnh.
 
Việt Nam cần cẩn trọng với bẫy tăng trưởng kinh tế thời kỳ hậu Covid-19
 
Chuyên gia kinh tế trưởng WB, ông Jacques Morisset chỉ ra rủi ro lớn nhất cho Việt Nam là bẫy kinh tế trong cân bằng tổng thể. Trước đây Việt Nam vốn tăng trưởng 7,8% nhưng có thể rơi vào bẫy tăng trưởng loanh quanh trong 3-4%. 
 
Việt Nam có thể rơi vào bẫy tăng trưởng kinh tế 3-4% do Covid-19? Kinh tế đối ngoại được hỗ trợ bởi xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên trong vài tháng và năm tới, WB khó tin rằng 2 động lực này vẫn mạnh. Còn kinh tế đối ngoại sẽ vẫn còn khó khăn, chính vì vậy sẽ khó có thêm doanh nghiệp với người tiêu dùng muốn mua sản phẩm của Việt Nam.
 
Trong một thế giới mà hiện nay có rất nhiều yếu tố bất định, thật khó hình dung rằng mọi người sẽ tiêu dùng, chi tiêu nhiều hơn. Hầu hết người Việt Nam đều ngại rủi ro bởi họ dự đoán cuộc sống sau này sẽ khó khăn hơn, Việt Nam có thể kẹt trong bẫy tăng trưởng như vậy.
 
“Covid-19 đã tác động rất nhiều, nhưng quan trọng nhất tác động đến kỳ vọng tăng trưởng. Covid-19 tác động đến xuất khẩu, sản xuất trong nước, nó ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện cũng đang có rất nhiều giải pháp, đẩy nhanh mô hình để thu hút FDI”, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phân tích.
 
Khu vực nhà nước có thể mang đến động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam
 
Theo ông Jacques Morisset, động lực mới của kinh tế Việt Nam có thể là khu vực nhà nước. Việt Nam đã quản lý tài khóa rất tốt từ năm 2016, chính phủ đã giảm được nhiều nợ công và tích lũy được nhiều ngân quỹ. Việt Nam là số ít quốc gia trên thế giới không phải tăng nợ vay tính từ khi dịch bệnh. 
 
Chính phủ có đủ vị thế để chi tiêu nhiều hơn và chi tốt hơn. Nếu chi tiêu nhiều hơn chúng ta có thể tăng được cầu và tăng được cả cung cho nền kinh tế. Chính phủ cần hỗ trợ cho ngành dịch vụ, ngành sản xuất và chế tạo chế biến. 
 
Chính phủ không những cần hỗ trợ mà cần giúp chuyển đổi nghề nghiệp. Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam nhận ra rằng Việt Nam cần phải làm điều gì đó cho thế hệ tương lai.
 
 
Xu hướng thứ 2 dễ nhận thấy hơn đó là sự trỗi dậy của nền kinh tế không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp. Các hoạt động dịch vụ như y tế giáo dục, chúng ta sử dụng ngày một nhiều loại hình này theo hình thức trực tuyến. Chúng ta cần phải có hệ thống thanh toán an toàn trực tiếp, hiệu quả, chính phủ cần phải số hóa nhiều ngành để nâng cao hiệu suất của chính phủ.
 
 
Xu hướng thứ 3, đây là cơ hội cho Việt Nam để nâng tầm ảnh hưởng trên thế giới. Nếu ai đó là nhà đầu tư nước ngoài và cần mở rộng, rõ ràng Việt Nam mang đến cơ hội tốt. Việt Nam có thể coi việc chống dịch Covid-19 rất hiệu quả như công cụ để quảng bá cho Việt Nam. 
 
Việt Nam nếu muốn thu hút đầu tư cũng cần phải có những cân đối, Việt Nam cần mở cửa thận trọng bởi cứu nhân mạng quan trọng hơn cứu việc làm. Đây là cơ hội đặc biệt để Việt Nam nâng tầm vị thế, không chỉ về nông sản, nhiều nông dân Việt Nam có thể có thêm cơ hội trong sản xuất nhiều loại thực phẩm khác.
 
Việt Nam cần theo dõi thận trọng tình trạng bất bình đẳng mới, Covid-19 đã tạo ra bất bình đẳng mới. 75% lực lượng lao động của Việt Nam bị ảnh hưởng. Tác động của Covid-19 rất khác biệt theo địa bàn, ngành nghề, nông thôn, sự khác biệt này tạo ra bất bình đẳng. 
 
Trong quý II/2020, theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hầu hết mọi người đều bị giảm thu nhập nhưng mức giảm khác nhau. Người nghèo mới khác người nghèo cũ, đây có thể là vấn đề cấp thiết trong vài năm tới. Đại dịch mới kéo dài vài tháng, chính phủ có thể tính đến giãn thuế cho doanh nghiệp, áp dụng chính sách tài khóa, biện pháp cải cách thuế ngày một quan trọng hơn, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhấn mạnh.