Mới đây, chính quyền Hà Tĩnh đã công bố kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tại Dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh) và thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, dự án ghi nhận 2 hồ sơ đăng ký tham gia thực hiện, đến từ Liên danh Công ty CP Đầu tư bất động sản Âu Lạc Nghệ An (viết tắt là Công ty Âu Lạc Nghệ An) - Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng 389 (Công ty Xây dựng 389); và Công ty CP Hóa dầu Quân đội (Mipec).
Tuy nhiên, sau khi chấm thầu, cơ quan chức năng xác định chỉ có Mipec là nhà đầu tư đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Với kết quả này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo và hướng dẫn Mipec nộp hồ sơ trình quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.
Dự án Khu đô thị tại xã Thạch Trung và thị trấn Thạch Hà có tổng diện tích sử dụng khoảng 297.921m2, với sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.958 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, tái định cư gần 27 tỷ đồng.
Trước đó, Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 13/10/2022. Mục tiệu của dự án nhằm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu đô thị với tổng diện tích khoảng 297.921m2 để xây dựng nhà ở thương mại và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân đầu tư xây dựng nhà ở theo quy hoạch.
Đồng thời, xây dựng và kinh doanh nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng; trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị tại địa phương.
Vị trí, ranh giới dự án được xác định, phía Bắc giáp đê Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh; phía Nam giáp Quốc lộ 1 (Cầu Cày) và khu dân cư thôn Liên Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh; phía Đông giáp đất nông nghiệp và khu dân cư thôn Liên Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh; phía Tây giáp Sông Cày, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà.
Kết quả trên không quá bất ngờ với giới đầu tư. Trong khi Mipec vốn là thương hiệu không hề xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cũng như bất động sản; thì đối thủ của họ chỉ là tay chơi "mới nổi".
Đơn cử, Công ty Âu Lạc Nghệ An là pháp nhân thành lập tháng 3/2020, với tên gọi ban đầu là Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Âu Việt, có địa chỉ tại Hà Nội. Vốn sáng lập của doanh nghiệp khá khiêm tốn chỉ với 20 tỷ đồng.
Nói thêm về Mipec, đây là doanh nghiệp tiền thân là thuộc Bộ Quốc phòng, được sáng lập bởi Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank).
Thành lập năm 2003, Mipec khởi động với hoạt động sản xuất dầu mỡ nhờn chuyên dụng cho khí tài quân sự, rồi mở rộng sang cung ứng cho thị trường dân dụng và kinh doanh xăng dầu.
Đến nay, không chỉ gói gọn trong mảng xăng dầu đơn điệu, Mipec đã tận dụng hiệu quả tiềm lực "khủng" của mình để đa dạng hóa các hoạt động, đầu tư thêm các kho bãi cầu cảng, thâm nhập lĩnh vực thương mại dịch vụ, bán lẻ (chuỗi siêu thị điện máy Pico). Những năm gần đây, người ta còn biết đến Mipec nhiều hơn trong vai trò là một nhà đầu tư, phát triển bất động sản tầm cỡ.
Nhờ bắt tay với một số đơn vị, doanh nghiệp gốc nhà nước có lợi thế về đất, Mipec đã phát triển hàng loạt dự án quy mô lớn như Mipec Tower 229 Tây Sơn, 183 Nguyễn Lương Bằng, Mipec Riverside Long Biên, Mipec City View Hà Đông, Mipec Rubik 360 Xuân Thủy (Hà Nội); Citadines Bayfront (62 Trần Phú, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); Mipec Tràng An (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An)...
Hiện, hai lãnh đạo chủ chốt của Mipec đều là những sỹ quan cao cấp. Trong đó, Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT; còn Đại tá Dư Cao Sơn giữ cương vị Tổng giám đốc. Ông Thạch và ông Sơn cũng là những lãnh đạo thâm niên của Vaxuco, khi lần lượt nắm giữ các chức vụ Chủ tịch HĐTV và Chính ủy.
Từ tháng 8/2015, vốn điều lệ của Mipec đã đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, gấp 50 lần so với thời điểm thành lập.
Theo Thanh Phong - kinhtechungkhoan.vn