000-1689237227.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng nảy sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, đội ngũ và cơ chế chính sách.

Những con số ban đầu

Tại Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An), năm học 2022 - 2023, toàn trường có 10 lớp 6 với 365 học sinh. Do phải thực hiện cả nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn, nên chỉ có hơn 50% học sinh thi tuyển đầu vào, còn lại 50% là học sinh của phường Hưng Phúc. Vì vậy, chất lượng dạy học có sự phân hóa nhất định.

Đối với khối lớp tuyển sinh đầu vào là nguồn để phát triển chất lượng mũi nhọn. Còn khối lớp học sinh phổ cập, xét tuyển thì định hướng phát triển năng lực toàn diện, tăng cường tiếng Anh, Tin học. Tuy nhiên, kết quả thi chứng chỉ Tin học IC3 chỉ có khoảng 40/90 học sinh diện xét tuyển đạt yêu cầu.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, THCS Đặng Thai Mai vốn là trường trọng điểm chất lượng cao của TP Vinh. Vì vậy, trong môi trường tiên tiến, đòi hỏi lớn về năng lực, mặt bằng chất lượng học sinh cao, với các lớp “xét tuyển”, diện phổ cập sẽ khá đuối so với lớp thi tuyển đầu vào. Nhà trường dù có chương trình tăng cường như Tin học, STEM, năng khiếu, tiếng Anh... vào các buổi chiều, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho con học thêm ngoài để “đuổi kịp” các bạn giỏi, dẫn đến áp lực nhất định.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai thừa nhận có sự phân hóa nhất định về chất lượng giữa 2 nhóm lớp học sinh lớp 6 thực hiện mô hình tiên tiến. Nhà trường cũng mong chính quyền địa phương tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là bếp ăn, nhà ăn bán trú. Bởi về phía đội ngũ, nhà trường có thể đảm bảo và chủ động, còn cơ sở vật chất cần đáp ứng các yêu cầu của chương trình tiên tiến để đạt hiệu quả giáo dục cũng như cam kết với phụ huynh và tương xứng với mức học phí đặt ra.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sau 1 năm triển khai 5 lớp tiên tiến, thầy Hiệu trưởng Phan Xuân Phàn cho hay, qua kiểm tra chất lượng, học sinh bắt nhịp khá nhanh với chương trình. Nhà trường cũng tổ chức sơ kết để lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và đặt ra phương hướng nhiệm vụ cho năm học tới.

q-1689237252.jpg
Phụ huynh đến đăng ký học mô hình tiên tiến tại Trường THCS Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An.

Bảo đảm chất lượng

Từ năm học 2023 - 2024, Trường THCS Trường Thi chính thức thí điểm mô hình trường tiên tiến. Nhà trường đã cơ bản hoàn thành và nhận đủ chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6. Cô Tăng Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng chia sẻ: Điều khá bất ngờ là nhiều người đến đăng ký tuyển sinh từ những ngày đầu. Nhà trường cũng thành lập tổ tư vấn để giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh về điều kiện đăng ký, chương trình học, chương trình tăng cường, cam kết đầu ra…

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho hay: Mô hình trường tiên tiến mới được Nghệ An thực hiện thí điểm và có đặc thù riêng nên không tránh khỏi khó khăn bước đầu. Vì vậy, để mô hình hiệu quả và đạt chất lượng cao cần có sự đánh giá khách quan, nghiêm túc, từng bước điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn và năng lực học sinh.

Chị Lê Thị Hoa (trú ở phường Vinh Tân, TP Vinh) đến tìm hiểu và quyết định nộp hồ sơ cho con theo học mô hình tiên tiến tại Trường THCS Trường Thi. Chị Hoa cho hay, mặc dù học phí cao hơn nhưng các con học 2 buổi/ngày và có chương trình tiếng Anh, Tin học tăng cường, các môn kỹ năng, hoạt động trải nghiệm… Nhà trường cũng cam kết đầu ra với phụ huynh và sẽ có theo dõi, đánh giá qua từng năm học.

Thành phố Vinh là địa phương tiên phong trong việc triển khai “Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2030”. Năm đầu tiên, mô hình được triển khai ở cả 4 cấp học tại các trường: Mầm non Hoa Sen, Tiểu học Lê Mao, THCS Đặng Thai Mai và THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh đánh giá năm đầu tiên thực hiện mô hình tiên tiến còn nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh, nhưng cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. “Thời điểm này, các trường đang đi đúng hướng và lộ trình của đề án đề ra. Đồng thời làm tốt công tác tuyển sinh, tổ chức dạy học; triển khai được nhiều chương trình tăng cường theo hướng phát triển năng lực toàn diện người học”, bà Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, khó khăn chung hiện nay về đội ngũ, cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động (nhất là tài chính). Quy mô học sinh của thành phố Vinh lớn và dự báo ngày càng tăng. Vì vậy, để vừa đảm bảo công tác phổ cập, vừa song song triển khai mô hình tiên tiến chất lượng cao, thời gian đầu chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả phụ huynh. Vì vậy, năm học tới, thành phố tiếp tục triển khai mô hình tại Trường THCS Trường Thi, Trường Mầm non Hưng Dũng.

Mục tiêu cuối cùng của mô hình trường tiên tiến mà ngành Giáo dục hướng tới là đào tạo học sinh có song bằng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, điều đó phải được thực hiện từng bước với lộ trình phù hợp, có thể điều chỉnh kế hoạch từng năm.

Cụ thể, khi có 2 trường THCS thực hiện mô hình này, thì Trường THCS Đặng Thai Mai sẽ hoàn toàn thi tuyển đầu cấp với mục tiêu chất lượng mũi nhọn. Còn Trường THCS Trường Thi, chỉ tiêu mỗi lớp 35 em, tập trung về chất lượng toàn diện với cam kết đầu ra 100% học sinh phải đậu trường công lập. Trong quá trình triển khai, 2 trường sẽ hỗ trợ và thường xuyên trao đổi, sinh hoạt chuyên môn với nhau.

Riêng với cấp THPT, mô hình tiên tiến được nhân rộng ở Trường THPT Lê Viết Thuật, Hà Huy Tập và đã có thông báo nhập học đối với học sinh trúng tuyển. Phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và xét điểm thi tuyển sinh lớp 10 THPT.

Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập thông tin: Mục tiêu xây dựng lớp tiên tiến của trường là học sinh được phát triển tất cả kỹ năng, đào tạo chất lượng mũi nhọn. Đồng thời tăng cường thêm chương trình văn hóa để học sinh có cơ hội trúng tuyển vào trường đại học tốp đầu trong nước và trường đại học nước ngoài...

Theo Hồ Lài - giaoducthoidai.vn