Giám đốc Ban 4 (Bộ NN-PTNT) cho rằng, công bố của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh về nguyên nhân nước sông La, Đức Thọ đổi màu do lòng hồ Ngàn Trươi là chưa đủ.
 
Đập dâng ô nhiễm từ 2 nguồn


 
Văn bản thống nhất chỉ đạo xử lý hiện tượng chuyển màu nước tại đập dâng Ngàn Trươi Bộ NN-PTNT gửi tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
 
Tại Kỳ họp 15 HĐND tỉnh khóa XVII mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã có báo cáo, trả lời về nội dung cử tri huyện Đức Thọ phản ánh về hiện tượng nước sông La đổi màu bất thường là “do khu vực đáy lòng hồ Ngàn Trươi có thành phần sắt sa khoáng, xác thực vật đang phân hủy”.
 
Theo như công bố của ông Sơn, thủ phạm gây ra hiện tượng nước đập dâng Ngàn trươi đổi màu từ tháng 5/2019 lại nay là do lòng hồ Ngàn Trươi. Tuy nhiên, ngày 13/7, trao đổi với NNVN, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) – Bộ NN-PTNT phản bác: “Công bố của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là hẹp, chưa đủ. Ông Sơn công bố gọn đi theo hướng giảm trách nhiệm của tỉnh”?
 
Ông Thịnh cho hay, sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh phát đi văn bản số 1541/UBND-NL1, ngày 18/3/2020, về việc xin ý kiến kết luận và thống nhất chỉ đạo xử lý hiện tượng chuyển màu nước tại hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Bộ NN-PTNT đã có công văn số 2512, ngày 10/4/2020 phúc đáp tỉnh Hà Tĩnh.
 
Về cơ bản, Bộ thống nhất nội dung kết luận nguyên nhân chuyển màu nước và giải pháp chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan tại văn bản trên của tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời, đề nghị tỉnh bổ sung: “Phạm vi nước bị chuyển màu là đoạn lòng dẫn Ngàn Trươi (từ sau lòng hồ Ngàn Trươi đến đập dâng Vũ Quang). Các nguồn bị ảnh hưởng gồm 2 nguồn chính là hồ Ngàn Trươi và Khe Trươi”.
 
Được biết, việc xác định nguyên nhân đập dâng Ngàn Trươi đổi màu bất thường ngành chức năng căn cứ vào kết quả quan trắc mẫu nước, trầm tích độc lập của Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) và Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ TN-MT).
 
Theo kết quả quan trắc của 2 đơn vị trên, chỉ số sắt (Fe) tại các điểm lấy mẫu ở khu vực lòng hồ và Khe Trươi đều có nhiều điểm vượt ngưỡng cho phép của cột B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Đơn cử, đợt 1 quan trắc ngày 29/11/2019, chỉ số sắt tại lòng hồ vượt từ 2 – 3,39 lần; đợt 2 quan trắc ngày 17/12/2019, chỉ số sắt tại lòng hồ vượt trung bình 1,1; đợt 3 lấy mẫu ngày 7/1/2020, chỉ số sắt lòng hồ vượt bình quân 1,1 – 2,71 lần, Khe Trươi vượt 1,3 lần…


 
Nước lòng hồ Ngàn Trươi mới chỉ đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ tưới tiêu, thủy lợi chứ chưa đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Ảnh: Thanh Nga. 
 
Khi được hỏi, phía Ban 4 đã có phản ứng gì về công bố của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Thịnh có biết: “Hiện Ban chưa có ý kiến. Dự kiến cuối tuần này Bộ NN-PTNT sẽ có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này”.
 
Ai chịu trách nhiệm công tác điều tra địa chất vùng lòng hồ?
 
Mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố nguyên nhân chính gây nên hiện tượng nước đập dâng Ngàn Trươi chuyển màu là do “sắt sa khoáng” trong vùng lòng hồ. Tuy nhiên, hầu hết người dân huyện Vũ Quang đều khẳng định trong lòng hồ không có mỏ sắt và “nếu biết có sắt tại sao vẫn xây dựng dự án”.
 
Từ ý kiến của dư luận, cơ quan chức năng cần làm rõ, ai sẽ chịu trách nhiệm trong công tác điều tra địa chất vùng lòng hồ trước khi đề xuất xây dựng dự án?.


 
UBND tỉnh Hà Tĩnh từng đề xuất Bộ TN-MT không điều tra địa chất khu vực lòng hồ tỷ lệ lớn. Ảnh: Thanh Nga.
 
Theo tài liệu NNVN có được, từ năm 2004 - 2008, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc điều tra, thăm dò địa chất khu vực lòng hồ để làm cơ sở đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.
 
Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban 4 thông tin: “Gói thu dọn lòng hồ chỉ được phê duyệt thực hiện trên diện tích 1.659 ha/4.610 ha. Do đó, chất lượng nước của lòng hồ Ngàn Trươi chỉ đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi chứ chưa đáp ứng tiêu chuẩn cấp nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt”.
 
Tại mục 2.1.4.5, Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án hệ thống thủy lợi  Ngàn Trươi – Cẩm Trang của Bộ TN-MT khẳng định: “Khoáng sản trong vùng lòng hồ với khả năng giữ nước đến cao trình +52 theo công văn 1833 CV/ĐCKS-ĐC ngày 21/12/2004 của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chưa phát hiện được khoáng sản có giá trị cao”.
 
Trước đó, công văn 1833 ngoài việc thông báo khu vực lòng hồ Ngàn Trươi “chưa phát hiện được khoáng sản có giá trị cao”, còn có đề xuất cơ quan chức năng “cần thiết phải điều tra địa chất khoáng sản trên diện tích vùng ngập nước và vùng kế cận của hộ ở tỷ lệ 1:50.000 và lớn hơn”.
 
Tuy nhiên, có vẻ Hà Tĩnh “nóng lòng” chờ đợi một công trình trọng điểm quốc gia nên ngày 19/8/2008 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ ban hành văn bản 2192 “Đề nghị Bộ TN-MT không không tiến hành điều tra địa chất khu vực lòng hồ ở tỷ lệ lớn hơn và có ý kiến để dự án sớm được phê duyệt và triển khai thực hiện”.
 
Văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu: Trên khu vực lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang phát hiện 1 điểm vàng sa khoáng Khe Tro, xã Hương Điền (huyện Vũ Quang) có chiều dài 2.000m, rộng 200-375m; phân tích hàm lượng vàng từ 0,36g/m3 – 0,67g/m3; tài nguyên dự báo cấp P2 = 53kg. Điểm vàng sa khoáng này nằm trong khu vực lòng hồ và đã bị dân đãi đào từ trước năm 1995. 
 
Ngoài ra điểm vàng gốc cũng thuộc xã Hương Điền và khu vực phía Đông Bắc – Tây Nam khu vực gần lòng hồ phát hiện 3 vành phân tán vàng và 1 vành phân tán casiterit bạc thấp, không có triển vọng và không nằm trong vùng ngập lòng hồ.


 
Bộ TN-MT cũng khẳng định vùng lòng hồ Ngàn Trươi chưa phát hiện được khoáng sản có giá trị cao. Ảnh: Thanh Nga.
 
“Theo tài liệu điều tra mới nhất của ngành địa chất, trong khu vực lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang chỉ có điểm khoáng hóa vàng sa khoáng, UBND tỉnh đã có phương án cho khai thác tận thu trước khi triển khai xây dựng công trình; ngoài ra chưa tìm thấy các điểm khoáng hóa có giá trị khác”, công văn 2192 nhấn mạnh.
 
Như vậy cả Bộ TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh đều đã khẳng định vùng lòng hồ không có tài nguyên khoáng sản có giá trị hoặc đã có phương án tận thu trước khi thực hiện dự án, đủ điều kiện chặn dòng ngăn nước lên cốt 52m.
 
Bây giờ xác định lòng hồ nhiễm sắt, là tác nhân gây nên hiện tượng chuyển màu nước của đập dâng Ngàn Trươi thì cơ quan chức năng cũng cần đánh giá lại trách nhiệm của đơn vị thực hiện điều tra địa chất khu vực lòng hồ Ngàn Trươi là Bộ TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh!.