Theo xác minh của TP Thanh Hóa, công trình nhà vệ sinh nửa tỉ đồng trong danh thắng Hàm Rồng "đội giá" cao hơn nhiều so với các nơi khác là do công trình xây dựng trên nền một cái ao, có cốt đáy khoảng 3 m.
 
Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ngày 11-8 đã ký văn bản số 4305 trả lời Báo Người Lao Động có bài viết phản ánh về việc xây dựng nhà vệ sinh nửa tỉ đồng trong khu danh thắng Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) cao hơn nhiều so với quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
 
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo phản ánh của nhiều du khách khi tới tham quan động Tiên Sơn (thuộc danh thắng Hàm Rồng), họ rất bất ngờ khi tại đây có một công trình nhà vệ sinh công cộng được xây dựng khá khang trang nhưng lại không thể vào trong để đi vệ sinh được. Đáng nói, công trình này vừa được xây mới với tổng mức đầu tư hơn nửa tỉ đồng.
 
Không chỉ bị phản ánh về việc xây dựng nhà vệ sinh xong rồi để "cửa đóng, then cài", công trình nhà vệ sinh công cộng tại khu vực động Tiên Sơn mặc dù được xây dựng theo mẫu chung đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, còn có tổng mức đầu tư lên tới 535 triệu đồng, cao hơn nhiều so với quyết định được duyệt.
 
Cụ thể, ngày 3-12-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 4802 phê duyệt đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo phụ lục đi kèm quyết định này, tổng mức đầu tư cho mỗi công trình là 300 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
 
Ngay sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND TP Thanh Hóa kiểm tra, làm rõ nội dung thông tin báo nêu, kịp thời có biện pháp xử lý theo quy định, đảm bảo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích công trình.
 
 

TP Thanh Hóa cho biết các thiết bị bên trong nhà vệ sinh được đầu tư rất hiện đại
 
Về vấn đề nhà vệ sinh xây xong để "cửa đóng then cài", sau khi báo nêu, TP Thanh Hóa đã nhanh chóng giao Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo vệ sinh, vận hành và đưa vào sử dụng nhà vệ sinh công cộng theo đúng công năng. Đến nay, công trình cơ bản đã được khắc phục, đưa vào vận hành, một số hư hỏng đã được đơn vị thi công sửa chữa, khắc phục.
 
Về nội dung đầu tư nhà vệ sinh "đội vốn", văn bản trả lời Báo Người Lao Động cho thấy, công trình nhà vệ sinh công cộng ban đầu có tổng mức đầu tư là 569 triệu đồng (làm tròn số), giá trị xây dựng cuối cùng được thẩm định phê duyệt giảm xuống còn 535 triệu đồng.
 
Trong đó, chi phí xây dựng 426 triệu đồng (gồm: Phần xây dựng nhà vệ sinh theo mẫu (phần nổi, 24 m2 sàn) hơn 298 triệu đồng; phần hạ tầng kỹ thuật 128 triệu đồng); chi phí quản lý dự án 14 triệu đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 50,3 triệu đồng; chi phí khác 19 triệu đồng; chi phí dự phòng 25 triệu đồng.
 
Mặc dù TP Thanh Hóa chưa chỉ rõ lý do công trình "đội vốn" gần gấp đôi so với các công trình xây theo mẫu tương tự. Tuy nhiên trong báo cáo nêu, hiện trạng vị trí xây dựng công trình là khu ao có cốt đáy ao khoảng 3 m so với cốt nền, nên TP Thanh Hóa đã chi 128 triệu đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Bơm hút nước, vét bùn, xây tường bó nền, san nền...
 
Từ báo cáo này cho thấy, với số tiền tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng, TP Thanh Hóa đã chi vừa hết cho việc xây dựng nhà vệ sinh theo mẫu; trong khi các chi phí quản lý, tư vấn đầu tư, dự phòng... được TP Thanh Hóa chi thêm 235 triệu đồng.