Trường hợp bà Tuyến giả chết nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung tương tự, được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015.
Sáng 1/4, đại tá Phan Văn Ứng - phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng - cho biết cơ quan chức năng vẫn đang tạm giữ bà Trần Thị Tuyến (57 tuổi, ngụ ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) và những người liên quan để làm rõ việc tổ chức đám tang giả.
Bà Tuyến tại cơ quan điều tra
Theo dõi sự việc, nhiều người thắc mắc bà Tuyến và những người liên quan sẽ bị xử lý ra sao?
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Để làm rõ hơn về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, theo kết quả ban đầu của cơ quan điều tra, người phụ nữ này đã làm đám tang giả để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của nhiều người.
Bởi vậy, trường hợp có đơn tố cáo tố giác về hành vi vay mượn, nợ nần không trả thì hành vi gian dối nhầm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của người phụ nữ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quy định của pháp luật nếu dùng thủ đoạn gian dối để người khác trao tiền rồi chiếm đoạt thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn nếu nhận tiền của người khác thông qua các giao dịch dân sự hợp pháp (việc nhận sử dụng tiền là hợp pháp) nhưng sau đó đã dùng thủ đoạn gian dối để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì hành vi này là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội danh và hình phạt như sau:
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Như vậy, theo luật sư Cường, pháp luật hình sự quy định người nào thông qua các quan hệ dân sự mà nhận tiền, tài sản của người khác từ 4.000.000 đồng trở lên nhưng gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất trả lại khả năng trả lại tài sản hoặc có điều kiện trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, với tình huống này, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người phụ nữ này đã vay mượn, nợ nần của nhiều người thông qua các giao dịch dân sự, số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên nhưng đã giả vờ chết để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với người phụ nữ này về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu trên. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Mở nắp quan tài công an chỉ thấy 3 bao cát, nhiều nhánh hoa huệ
Luật sư Cường phân tích thêm, nếu kết quả điều tra cho thấy người phụ nữ này “giả chết” do bị người khác đe dọa uy hiếp, bị truy sát. Hành vi giả chết chỉ là để bảo toàn mạng sống nhưng không có mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, (vẫn có phương hướng, kế hoạch trả nợ cụ thể) thì người phụ nữ này mới không bị xử lý hình sự theo điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong quá trình điều tra xác minh sự việc, làm rõ hành vi khách quan, ý thức chủ quan, động cơ mục đích và làm rõ áp lực về việc trả nợ đã diễn ra trước đó như thế nào. Trên cơ sở đó sẽ quyết định có khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý với người phụ nữ này hay không.
"Cho dù nguyên nhân sự việc là do nợ nần không có khả năng trả hay do bị những chủ nợ đe dọa uy hiếp đến tính mạng thì việc giả chết như vậy cũng không phải là giải pháp tích cực, không những không trốn tránh được nghĩa vụ trả nợ mà có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy đây sẽ là bài học đắt giá cho những ai lâm vào tình trạng nợ nần túng quẫn, cần phải có những giải pháp tích cực, trong đó có thể là giãn nợ, khất nợ, lên kế hoạch, phương hướng trả nợ có tính khả thi trong tương lai để thuyết phục chủ nợ bình tĩnh, yên tâm chờ đợi. Chứ không nên vì mù quáng hay ngây thơ mà lại bịa chuyện, đưa ra những không tin gian dối để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ như vậy", luật sư Cường nhấn mạnh./.