chiec-ca-no-gap-nan-2621-1646096911.jpg
Chiếc ca nô QNa 1152 vỡ toác phần đầu sau tai nạn

Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, rạng sáng cùng ngày đơn vị đã trục vớt, đưa chiếc ca nô QNa 1152 bị lật trên biển Cửa Đại vào bờ và tiến hành khám nghiệm. Lực lượng chức năng ghi nhận mũi tàu bị vỡ toác, hư hỏng. Bên trong tàu là thi thể một bé gái bị mắc kẹt.

Theo Đại tá Lai, hiện chưa xác định lý do tại sao tàu bị vỡ, chưa xác định được có va đập hay lý do khác.

“Chúng tôi sẽ trưng cầu giám định, cùng với các bước nghiệp vụ để xác định nguyên nhân chính xác. Hiện nay, Cơ quan điều tra chưa ra quyết định tạm giữ và chưa có quyết định tố tụng gì đối với người điều khiển phương tiện vì tất cả các tài liệu hiện nay để chứng minh nguyên nhân xảy ra tai nạn chưa rõ ràng”, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nói.

Qua xét nghiệm nhanh đối với thuyền trưởng và các thuyền viên trên ca nô đều âm tính với ma túy.

Theo điều tra ban đầu của Công an, ca nô du lịch số hiệu QNa - 1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (SN 1970, trú phường Cửa Đại, TP. Hội An) điều khiển chở 39 người (trong đó có 36 hành khách, 3 thuyền viên), xuất bến Cù Lao Chàm từ 14h ngày 26/2 để vào đất liền.

Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa Đại khoảng 1 hải lý thì ca nô bị sóng lớn đánh chìm. Hành khách trên ca nô được trang bị áo phao và mặc áo phao trước khi xuất phát, bố trí ghế ngồi đầy đủ.

Chết nhiều vì ca nô bịt kín?

Từ năm 2018, Bộ GTVT chuyển đổi ca nô SI sang SB. Phương tiện chở khách ra Cù Lao Chàm đa phần được hoán cải từ ca nô chuẩn SI, loại có mái che, chở 12 - 22 khách, hoạt động trong vùng biển 12 hải lý trở vào. Sau hoán cải chuẩn SB, ca nô có mái che, chở được hơn 30 khách, hoạt động vùng biển trên 12 hải lý.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GTVT sáng 27/2, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn đã nêu vấn đề ca nô được phép hoán cải không đảm bảo an toàn.

“Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT xem xét lại quy định hiện nay về chuẩn SB, trong đó nghiên cứu giải pháp và thiết kế ca nô như thế nào để khi gặp sự cố thì thoát hiểm tốt hơn”.

Tuy nhiên, thân ca nô quá nhỏ nên việc bố trí ghế theo quy định chiếm hết diện tích cho lối thoát hiểm, cứu hộ.

Anh Đào Đặng Ngọc Trung (43 tuổi) người gốc Hội An có nhiều năm tổ chức tua sông nước, biển đảo và làm thuyền trưởng ca nô cho rằng, việc những ca nô trên 30 chỗ hoán đổi để đáp ứng chuẩn SB tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xảy ra lật, chìm trên biển.

“Khi tàu có mui sẽ nặng hơn, lực cản gió nhiều hơn. Tàu làm mui, quây kín thân có tác dụng che mưa che gió, chắn ướt nhưng do tàu nhỏ nên cửa sổ nhỏ, khi xảy ra sự cố tàu chìm nước vào rất nhanh, cửa hẹp nên người mặc áo phao bên trong không thoát ra kịp. Trên người mang áo phao không lặn được nên không chui ra cửa sổ được, chỉ 4 - 5 phút là ngạt chết, anh Trung lý giải.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, trên địa bàn có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đăng ký khai thác 130 ca nô du lịch loại mui kín theo yêu cầu của ngành giao thông vận tải. Vùng biển Cửa Đại từng xảy ra nhiều vụ lật ca nô, chìm tàu tuy nhiên hầu hết nạn nhân được cứu sống vì tàu trống.

Khi bị lật văng xuống, người có áo phao nổi trên mặt nước. Trong khi vụ lật ca nô chiều 26/2 thì có quá nhiều người chết do bị ngạt, không thể thoát ra.

Đợi kết luận điều tra

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, ông vừa từ hiện trường tai nạn lật tàu ở Cửa Đại (Hội An) ra Hà Nội. Theo ông Sang, sau vụ tai nạn, Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương tổng rà soát toàn bộ hoạt động của tàu chở khách du lịch, đặc biệt các tuyến từ bờ ra đảo. Về ý kiến cho rằng, tiêu chuẩn tàu chở khách hoạt động tuyến từ bờ ra đảo như hiện nay dẫn tới khó khăn trong công tác cứu nạn, tàu chỉ 1 cửa lên xuống, thân tàu được làm kín bằng kính, khi tàu lật, khách bên trong khoang khó thoát ra ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho hay, phải chờ kết luận của cơ quan công an để xem nguyên nhân lật tàu rồi mới kết luận./.