Theo đó, tại phiên họp quý I/2022, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Nghệ An đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó liên quan đến "Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu".
Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy Nghệ An đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Ban Dân tộc tỉnh và Chi bộ Chính sách dân tộc, thuộc Đảng bộ Ban Dân tộc tỉnh.
UBKT Tỉnh ủy Nghệ An nhận thấy: Trong quá trình tham gia lãnh đạo xây dựng và thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn I (2016 - 2020), Đảng ủy Ban Dân tộc tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và Chi bộ Chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2017-2020 đã buông lỏng công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc tham mưu xây dựng Đề án.
Để xảy ra vi phạm các quy định trong việc sử dụng ngân sách, quản lý tài chính; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, để 4 cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ vi phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Đề án, bị phạt tù và khai trừ ra khỏi Đảng. Vi phạm của Đảng ủy và Chi bộ làm ảnh hưởng xấu và giảm sút uy tín của tổ chức Đảng.
Theo đó, UBKT Tỉnh ủy Nghệ An quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách đối với Đảng ủy Ban Dân tộc tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; Cảnh cáo đối với Chi bộ Chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2017 - 2020.
Như Dân trí đã đưa tin, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016 và quyết định phê duyệt đề án của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng.
Đề án được thực hiện tại 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh), thuộc huyện Tương Dương do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện. Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu.
Đáng nói, mặc dù tại bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) không có người dân tộc thiểu số Ơ Đu sinh sống, nhưng cơ quan chức năng vẫn lập danh sách đưa 45 hộ với 231 nhân khẩu vào đề án khiến dư luận xôn xao.
Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An sau đó lý giải việc đưa nhầm 231 nhân khẩu ở bản này vào đề án vì kế thừa số liệu cũ và số liệu của dân tộc này thiếu logic, liên tục thay đổi trong các lần điều tra dân số.
Quá trình thực hiện đề án này, dư luận tại địa phương cũng xôn xao về việc kinh phí thực hiện dự án cũng như những hạng mục được đầu tư xây dựng trong dự án này chưa phù hợp với người dân bản địa, gây lãng phí. Điển hình như xây dựng 67 chuồng bò hết 12,6 tỷ đồng; khai hoang trồng cỏ hết nhiều tỷ đồng nhưng số diện tích đất bỏ hoang lớn, cỏ chết nhiều và không hiệu quả...
Ngày 21/7/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra mở rộng vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, bắt bị can Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Ngày 30/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố bổ sung vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", khởi tố bị can đối với Nguyễn Tâm Long (SN 1974, trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh) - Phó trưởng Phòng Chính sách dân tộc Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
Cùng ngày 30/7/2020, công an tiếp tục khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", khởi tố 3 bị can: Nguyễn Tâm Long, Nguyễn Văn Sơn (SN 1962) - Giám đốc Công ty CP xây dựng Văn Sơn và Nguyễn Đình Thịnh (SN 1981) - Phó Giám đốc Công ty CP xây dựng Văn Sơn.
Ngày 20/4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lương Thanh Hải, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Ông Hải bị khởi tố với 2 tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ./.