Ngày 16/8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ “đất vàng” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan. HĐXX tiến hành thẩm vấn đối với bị cáo Nguyễn Thục Anh – người nắm giữ 51% vốn điều lệ và là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, con gái của Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương trình bày việc bị cáo sở hữu cổ phần của Công ty Phát Triển là đứng tên thay cha và không được thông báo hay trao đổi về việc chuyển nhượng cổ phần. Bị cáo không tham gia vào việc sắp xếp nguồn tài chính, kinh doanh. Tất cả những việc này đều do cha của bị cáo làm. Ngay cả việc vay tiền ngân hàng, bị cáo cũng chỉ là người đứng tên và người giao dịch chủ yếu vẫn là cha của bị cáo.

a-1660641328.png
Bị cáo Nguyễn Thục Anh tại tòa. (Ảnh: ANTĐ)

“Bị cáo không hưởng lợi 1 đồng nào trong việc chuyển nhượng này. Thông tin trong cáo trạng mong được HĐXX xem xét lại. Bị cáo không được biết về số tiền 251 tỉ đồng” - "ái nữ" đại gia Nguyễn Văn Minh khẩn cầu. Vẫn theo lời khai của bị cáo Thục Anh, quá trình điều tra, bị cáo này nhận thức được việc đứng tên thay đã góp phần vào sai phạm ngày hôm nay. Bị cáo xin nhận trách nhiệm và chỉ mong được xem xét lại vai trò của mình trong vụ án.

“Nếu thật sự biết được bản chất vấn đề của việc chuyển nhượng cổ phần thì chắc chắn bị cáo sẽ không bao giờ thực hiện. Và bố của bị cáo nếu biết việc này là sai cũng sẽ không bao giờ yêu cầu con gái của mình làm như vậy” - lời khai của bị cáo Thục Anh.

Tại tòa, bị cáo Như Ý khai, chồng đưa gì cho ký thì bị cáo ký. Bị cáo tin tưởng nên không đọc. Bản thân bị cáo chỉ là một người phụ nữ ở nhà, công việc hàng ngày là đưa con đi học, không biết gì về các công việc ở công ty nên khi bị khởi tố, điều tra, bị cáo rất hốt hoảng- ANTĐ đưa tin.

Thông tin trên Sức Khỏe và Đời sống, tại tòa, bị cáo Trần Thanh Liêm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 14/7/2017, bị cáo có tham gia cuộc họp song cuộc họp đó chỉ là buổi giao ban thường trực hàng tuần. Tại cuộc họp này, UBND tỉnh có nhiều giải quyết kiến nghị chứ không chỉ xem xét đề nghị của Tổng Công ty 3-2. "Tại cuộc họp có 2 kiến nghị của Tổng Công ty 3-2, trong đó có việc chuyển nhượng 30% vốn góp Công ty Tân Phú sang cho Công ty Âu Lạc. Nội dung 2 là tái cơ cấu vốn”- bị cáo Liêm cho rằng không nhận được tài liệu về việc này trong cuộc họp.

b-1660641356.png
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhận sai khi ký phê duyệt "đất vàng". (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống) 

Đồng thời, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương khai rằng, bị cáo này chỉ được nghe phó chánh văn phòng tỉnh ủy tỉnh trình bày tóm tắt từ nội dung xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp. Thời điểm đó, lãnh đạo Văn phòng không trình bày kỹ. “Đến năm 2019, khi mà báo chí phản ánh, bị cáo mới biết Công ty 3-2 chuyển nhượng 43ha đất. Sau đó, Tỉnh ủy có mấy cuộc họp, trong đó có cuộc mời các lãnh đạo thường trực thành ủy các nhiệm kỳ trước để xử lý”- bị cáo Liêm trình bày trước tòa.

Bị cáo Liêm giải thích thêm, về việc này sau đó Thường trực thành ủy đã thành lập đoàn thanh tra, công việc thực hiện Tổng Công ty 3-2. Báo cáo kết luận kiểm toán Nhà nước, bị cáo Liêm khai, bị cáo không tham gia cuộc họp nên không nắm được nội dung hoạt động của Tổng Công ty 3-2.

Thông trên Tiền Phong, Viện kiểm sát cáo buộc, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 17/4/2017, ông Liêm biết việc Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy và trái với quy định pháp luật nhưng không yêu cầu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện theo đúng quyết định của chủ sở hữu mà đồng ý cho Tổng Công ty 3/2 tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc tại Dự án khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha.

Việc này đã tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Tổng Công ty 3/2) và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.

Đối với khu đất 145ha được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất, tiếp tục kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ông Liêm cho rằng, có biết Tổng Công ty 3/2 đưa vào góp vốn tại Công ty “sân sau” Tân Thành nhưng ông vẫn ký ban hành quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đưa khu đất này vào mục “tài sản chờ thanh lý”, gây thất thoát hơn 4.030 tỷ đồng./.